Quà tặng Ngày 8.3: Câu chuyện về 3 bao gạo

11:15, 05/03/2014

Dù là gì đi nữa, và dù là một thiếu nữ hay một người mẹ, những ngày này vẫn hết sức thiêng liêng, để tùy hoàn cảnh, điều kiện sống, người ta vẫn nghĩ về…

Câu chuyện có thật này xảy ra ở Trung Quốc, tại một vùng nông thôn hẻo lánh từ nhiều năm trước, kể về một gia đình nông dân nghèo khổ. Khi đứa con trai bắt đầu đi học, người cha của nó qua đời. Tiễn biệt người cha, người mẹ ấy không đi bước nữa mà ở vậy nuôi dưỡng đứa con thơ.

 

Thế giới này vẫn có bao đứa trẻ không còn mẹ và đang khát khao tình mẹ.

Thời đó, thôn làng chưa có điện. Tối tối, bên ngọn đèn dầu, thằng bé đọc sách, vẽ tranh, còn người mẹ âm thầm may vá áo cho con. Ngày qua ngày, năm kế năm, những tấm giấy khen về thành tích học tập của con cứ nhiều dần trên mảng tường đất loang lổ. Thấy đứa con lớn nhanh, học giỏi, dù vất vả và khóe mắt đã xuất hiện nhiều nếp nhăn nhưng bà vẫn vui.

Nhưng dường như trời không thương hai mẹ con họ. Khi đứa con vừa thi đậu vào trường trung học của huyện cũng là lúc người mẹ bị bệnh phong thấp nặng. Việc đồng áng làm không nỗi, thậm chí ngày hai bữa cũng không lo xong, áp lực đè nặng lên vai bà. Lúc đó, mỗi học sinh trường trung học phải nộp 30kg gạo/tháng. Đứa con biết mẹ mình không có khả năng nên nói với mẹ: “Mẹ ơi, con sẽ nghĩ học để giúp mẹ làm ruộng”. Bà mẹ xoa đầu con, âu yếm nói: “Con có lòng thương mẹ như vậy mẹ rất vui, nhưng con không thể nghỉ học được. Mẹ sinh ra con, mẹ sẽ có cách nuôi con. Con cứ đến trường ghi danh đi, mẹ sẽ mang gạo lên sau.” Đứa con ngang bướng cãi lại, không chịu đến trường. Người mẹ bực mình tát mạnh vào mặt con, buộc nó phải nghe. Đó là lần đầu tiên trong đời, lúc nó 16 tuổi và bị mẹ đánh.

Khi con cắp sách đến trường, nhìn con xa xa dần theo con đường mòn, người mẹ vò đầu bứt trán suy nghĩ. Bằng cách nào đây để có gạo ăn và gạo nộp hàng tháng cho con. Cuối cùng, bà chọn giải pháp đi xin để có gạo nuôi con ăn học. Sợ con phát hiện, mỗi ngày khi trời còn chưa sáng, bà len lén cầm cái bao và chống gậy đi cách thôn khoảng 10 dặm để van xin tình thương của những người khác. Rồi đợi khi trời thật tối bà mới âm thầm trở về.

 

Bao bà mẹ vẫn lầm lũi nuôi con, lo từ miếng ăn cho tới việc học hành.

Không lâu sau, người quản lý bếp ăn của trường cũng nhận được gạo của người mẹ bệnh tật mang đến. Bà khập khễnh bước vào cổng với hơi thở hổn hển, rồi từ trên vai thả xuống một bao gạo nặng trĩu. Người phụ trách bếp mở bao gạo ra xem, hốt một vốc lên xem rồi lập tức cột miệng bao lại và nói: “Bậc phụ huynh các người chỉ thích làm những việc có lợi cho mình. Bà xem gạo của bà đầy thóc lẫn sạn, hạt cỏ… làm sao mà ăn”. Người mẹ ngượng ngùng nói lời xin lỗi. Người phụ trách nhà bếp cũng không nói gì thêm và mang gạo vào nhà. Người mẹ lại móc trong túi ra mấy mấy tờ tiền lẻ nhăn nhúm, khoảng 5 tệ và nói với người phụ trách: “Đây là tiền phí sinh hoạt của con tôi tháng này, làm phiền ông chuyển đến dùm”. Ông ấy đùa cợt và nói: “Thế nào, bà nhặt được chúng trên đường đó à!”. Không nói gì, bà ngượng ngịu nói cám ơn rồi quay đi.

Rồi tháng kế lại đến. Bà nhọc nhằn vác bao gạo đến trường. Làn này, người phụ trách nhà bếp vừa nhìn gạo xong là cột chặt lại ngay - Cũng là thứ gạo đủ màu sắc. Ông nghĩ, có lẽ lần trước do không dặn kỹ nên lần này, ông nhẹ nhàng từng chữ với bà: “Bất cứ thứ gạo gì chúng tôi đều nhận, nhưng làm ơn để rịêng ra, cho dù thế nào cũng không được để chung, như vậy chúng tôi không thể nào nấu được, nấu ra thì cơm sẽ bị sượng. Nếu lần sau bà còn như vậy, tôi sẽ không nhận”. Bà hốt hoảng và thành khẩn nói: “Thưa ông! gạo của nhà tôi đều như vậy cả, phải làm thế nào?” Người phụ trách đùng đùng nổi giận nói: “Một sào ruộng nhà bà mà có thể trồng được cả trăm giống lúa như vậy à? Thật buồn cười!”. Dù bị la, nhưng bà không dám nói năng gì, lặng lẽ cúi đầu và người phụ trách cũng làm lơ để bà đi.

Đến tháng thứ ba, bà lại vất vả vác một bao gạo đến. Vừa nhìn thấy người đàn ông đã la bà lần trước, trên mặt bà hiện lên nụ cười méo xệch, tội hơn là khóc. Ông ta vừa nhìn thấy gạo bỗng giận dữ quát lớn: “Tôi đã nói vậy rồi mà sao bà không đổi. Sao mà ngoan cố! Cũng thứ gạo tạp nhạp này, bà xem đi. Lần này bà phải mang về thôi!”.

Dừng như đã đoán trước được tình thế, bà liền quỳ xuống trước mặt người phụ trách, hai dòng lệ trào ra trên khóe mắt và buồn bã nói: “Tôi nói thật với ông, gạo này là… tôi đi xin đấy!”. Ông phụ trách nhà ăn giật mình, hai mắt tròn xoe nói không nên lời.

Bà ngồi bệt xuống đất, lộ ra đôi chân biến dạng, sưng húp và rơi lệ nói: “Tôi bị bệnh phong thấp, đi lại đã khó, không thể làm ruộng được. Con tôi nó đòi bỏ học để giúp tôi, bị tôi đánh nên trở lại trường học.” Bà cầu xin người phụ trách dấu giúp chuyện này để con của bà lẫn bạn nó (hàng xóm) không biết, bởi bà sợ sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của nó. Bà bảo, gạo bà xin được đều được để chung vào một bao.

Tháng kế tiếp, vừa mang gạo đến trường, nhìn người phụ trách, chưa nói mà nước mắt bà đã lưng tròng. Ông liền đỡ bà dậy và nói: “Thật là người mẹ tốt. Tôi sẽ lập tức đi trình với hiệu trưởng, để trường miễn học phí cho con bà”. Bà vừa nghe xong, hốt hoảng lắc đầu nói: “Đừng, đừng… Nếu con tôi nó biết tôi đi xin để nuôi nó ăn học sẽ làm nó tổn thương và có thể nó sẽ bỏ học đó”. Ông hiểu ý bà nói: “À, thì ra bà muốn tôi dấu kín điều này, được rồi, tôi nhớ”. Và bà khập khiễng quay lưng đi.

Cuối cùng, vị hiệu trưởng trường trung học nọ cũng biết được sự việc. Với vẻ mặt hiền hoà, ông này nói: “Vì gia đình bà quá nghèo, trường sẽ miễn học phí và tiền sinh hoạt cho cháu suốt 3 năm học ở trường.”

Ba năm sau, đứa con thi đậu vào trường đại học Thanh Hoa. Ngày tốt nghiệp, chiêng trống vang trời, ông hiệu trưởng đặc biệt chú ý đến người học sinh có hoàn cảnh khó khăn kia và mời cậu ta lên lễ đài. Cậu ta khó chịu nói: “Thi đạt điểm cao có rất nhiều, vì sao thầy lại bảo một mình em lên lễ đài?”. Lại ba hồi trống vang dội, ngay đó, người phụ trách nhà bếp của trường cầm ba cái bao đựng gạo của người mẹ kia lên lễ đài, rồi ông kể lại câu chuyện người mẹ đi xin gạo để nuôi con ăn học suốt 3 năm qua.

Dưới lễ đài mọi người im bặt. Ông hiệu trưởng mắt đỏ hoe, chỉ vào ba cái bao đựng gạo giọng hùng hồn: “Đây là câu chuyện ba cái bao đựng gạo của người mẹ đi xin. Trên đời này, có đem vàng cũng không mua được những hạt gạo này. Sau đây, kính mời người mẹ vĩ đại lên lễ đài.”

Câu chuyện về 3 bao gạo của người mẹ kia cứ như trong truyền thuyết. Mỗi lần đọc lại, xem lại tôi đều chảy nước mắt và nhớ lại những năm 60-70 khó khăn của thế kỷ trước. Chắc chắn rằng Việt Nam ta cũng có nhiều bà mẹ như thế, nhưng chưa được ai rút tỉa. Ngay cả trong cuộc sống hiện đại hôm nay, vẫn luôn có bóng dáng tảo tần, lo toan và chở che của bao bà mẹ trên đời!

Thanh Trà (thu thập)