Quản lý xác thực người dùng, rà soát thông tin trên mạng để đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trực tuyến

11:19, 19/08/2024

Để phòng, chống lừa đảo trực tuyến, trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tập trung vào quản lý xác thực người dùng, rà soát thông tin trên mạng để quản lý không gian mạng, chung tay cùng các bộ, ngành khác đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trực tuyến.

Quản lý xác thực người dùng, rà soát thông tin trên mạng để đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trực tuyến

THỰC TRẠNG VỀ QUẢN LÝ XÁC THỰC NGƯỜI DÙNG

Thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Các cuộc tấn công mạng không chỉ là mối đe dọa đến tình hình chính trị, an ninh quốc gia mà còn là mối đe dọa thường trực tới hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về không gian mạng còn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đặc biệt đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nền tảng xuyên biên giới. Tình trạng lừa đảo trực tuyến cũng diễn ra rất phổ biến, tinh vi phức tạp.

Không chỉ ở Việt Nam mà trong khu vực cũng như trên thế giới, tình trạng lừa đảo trực tuyến cũng diễn ra rất phổ biến. Một thống kê của Mỹ cho thấy thiệt hại gây ra bởi tội phạm mạng tại quốc gia này, trong đó có tội phạm lừa đảo trực tuyến đã đạt mức kỷ lục là 12,5 tỷ USD vào năm 2023, tăng 22%. Để quản lý không gian mạng, các quốc gia coi việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trở thành nhiệm vụ quan trọng. Theo thống kê, gần 90 quốc gia và khu vực trên thế giới đã ban hành luật đặc biệt nhằm bảo vệ thông tin cá nhân và tiến hành thành lập các trung tâm chống lừa đảo trực tuyến.

Số liệu nêu trên là thông tin được ông Trần Quang Hưng Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT chia sẻ tại Hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức ngày 13/5 vừa qua tại Hà Nội. Từ các thông tin trên có thể thấy rằng, xu hướng chung về chính sách, các quốc gia đều có các quy định ở mức luật để yêu cầu xác minh danh tính thực của người dùng với các dịch vụ viễn thông, nâng cao việc giám sát tài chính và chống rửa tiền, quản lý không gian mạng bằng các nhà cung cấp dịch vụ Internet hay các nền tảng kỹ thuật, đồng thời, tăng cường trách nhiệm doanh nghiệp liên quan và quản lý gian lận mạng viễn thông.

TẠO ĐỘT PHÁ TRONG CÁCH THỨC QUẢN LÝ KHÔNG GIAN MẠNG

Thời gian qua, với vai trò quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về quản lý không gian mạng, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể, trong đó có nhóm giải pháp trọng tâm là hoàn thiện hành lang pháp lý cơ bản được hoàn thiện. Điều này có vai trò vô cùng quan trọng, để có căn cứ triển khai các phương án, giải pháp quản lý không gian mạng nhằm hạn chế các nguy cơ rủi ro. Song song đó, nhiều giải pháp khác cũng đã được thực hiện, cụ thể là: Xây dựng, phát triển kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân trước các dạng lừa đảo trực tuyến; lập trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc nhằm lan tỏa sự thật, nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bộ TT&TT cũng đã định kỳ hàng năm mở chiến dịch ‘Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến’ có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, thiết lập cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia, được kết nối, tích hợp với các trình duyệt, công cụ tìm kiếm và các giải pháp an toàn thông tin mạng; chủ động ngăn chặn hơn 3.300 trang web vi phạm pháp luật, qua đó giúp bảo vệ 3,6 triệu người dân không truy cập website vi phạm, không bị lừa đảo tiền bạc hoặc thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp.

CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ XÁC THỰC NGƯỜI DÙNG CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Về kế hoạch thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tập trung vào các giải pháp quản lý xác thực người dùng và rà soát thông tin trên không gian mạng. Trong đó, việc trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 72 năm 2013 và một số chính sách khác được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong công tác quản lý không gian mạng. 

Cụ thể, 4 nhóm giải pháp chính sẽ được Bộ TT&TT đề xuất triển khai thời gian tới gồm có: Yêu cầu xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại nhằm hạn chế tội phạm mạng, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung lên mạng.

Yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên không gian mạng Việt Nam tuân thủ và gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật khi có yêu cầu. Trường hợp không xử lý theo yêu cầu, Bộ TT&TT sẽ áp dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các trang thông tin điện tử, ứng dụng, nền tảng cung cấp dịch vụ.

Bổ sung quy định yêu cầu các mạng xã hội tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia. Việc này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm.

Bổ sung một số quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng và đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Trong đó, có yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dùng; Chỉ cho phép người dùng tại Việt Nam từ 16 tuổi trở lên đăng ký tài khoản.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng dự kiến sẽ yêu cầu các nền tảng mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung trên nền tảng của mình theo yêu cầu. Điều này nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên không gian mạng.Các giải pháp quản lý xác thực người dùng không chỉ là phản ứng cần thiết đối với thực trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi của tội phạm mạng, mà còn là bước đi chiến lược nhằm bảo vệ không gian mạng quốc gia. Với việc hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các biện pháp cụ thể như xác thực tài khoản q ua số điện thoại, tăng cường giám sát và xử lý vi phạm và yêu cầu các nền tảng mạng xã hội tuân thủ các quy định nhằm hướng tới một môi trường mạng an toàn và lành mạnh hơn. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, việc đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân cũng là yếu tố then chốt để chống lại các hình thức lừa đảo trực tuyến. Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người dùng mà còn góp phần duy trì trật tự, an ninh quốc gia trong bối cảnh không gian mạng ngày càng phức tạp và biến đổi.