Quảng Ninh đầu tư xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thông minh để phát triển thương mại điện tử

09:46, 11/02/2025

Xác định thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh hướng dẫn các nhà sản xuất, doanh nghiệp, tham gia các nền tảng thương mại điện tử từ nội địa tới xuyên biên giới…

Quảng Ninh đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. 

Người tiêu dùng sẽ tăng bình quân 15%/năm. Đồng thời có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử…

Dự kiến mỗi năm, Quảng Ninh sẽ hỗ trợ 10 đơn vị là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistics, tích hợp giải pháp thẻ thanh toán thương mại điện tử trên trang website… 

Đồng thời tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thông minh, vận dụng dữ liệu lớn để dự báo thị trường cho một số mặt hàng nông sản chủ lực cũng sẽ được xây dựng. 

Để hoàn thành mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ phát triển và hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử trong hệ thống hỗ trợ giao dịch trực tuyến, tích hợp thanh toán, hóa đơn điện tử và các giải pháp xác thực thông tin giao dịch, triển khai trung tâm giải quyết tranh chấp kết hợp với thanh toán và các hệ thống quản lý dịch vụ chuyển phát. 

Song song đó, Quảng Ninh sẽ phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực thương mại điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công. Triển khai các ứng dụng, sử dụng giải pháp phần mềm quản lý trực tuyến đối với các hoạt động quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Những năm gần đây, Quảng Ninh luôn được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu về Chỉ số thương mại điện tử. Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh  tiếp tục  triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ lĩnh vực này phát triển, đóng góp cho tăng trưởng chung.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Quảng Ninh hiện có 166 website đã đăng ký bán hàng và 1 website đã được xác nhận đăng ký hoạt động sàn thương mại điện tử(Raovatquangninh.com)

Tính đến thời điểm hiện tại, cũng đã có 560/560 sản phẩm tham gia chương trình OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Trong đó có 393 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao lên các sàn thương mại điện tử. 

Sở Công Thương Quảng Ninh đã và đang tiếp tục phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan hướng dẫn các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong tỉnh lập Website, Facebook, Email hay tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee; Tiki; Lazada, YouTube, TikTok để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng. 

Đến nay, hầu như tất cả các chủ thể OCOP Quảng Ninh đã có các trang Website/Facebook để giới thiệu và bán hàng hóa; một số chủ thể đã tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước.

Quảng Ninh sẽ đầu tư xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thông minh, vận dụng dữ liệu lớn để dự báo thị trường cho một số mặt hàng nông sản chủ lực cũng sẽ được xây dựng. 

Một ví dụ tiêu biểu trong việc áp dụng thương mại điện tử thành công là sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui của huyện Tiên Yên. Đây là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, được dán tem nhận diện thương hiệu và mã vạch truy xuất nguồn gốc. 

Trước khi áp dụng hình thức bán hàng qua các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội, sản lượng tiêu thụ trứng vịt biển Đồng Rui chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng công nghệ thông tin vào bán hàng, sản phẩm này đã có sự tăng trưởng rõ rệt, mỗi ngày cơ sở xuất ra thị trường từ 12.000 đến 15.000 quả trứng, tăng gấp nhiều lần so với trước kia.

Hiện, sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đã ký kết với các bên giao hành như Giao hàng nhanh-GHN Express, giao hàng Viettel, VNPT... và thiết lập liên kết với các sàn thương mại điện tử, bao gồm Lazada, Shopee, Fado, Tiki.