Ra mắt Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi hiện là đơn vị nghiên cứu khu vực học có quy mô lớn nhất của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cả về phạm vi, đối tượng nghiên cứu và nguồn nhân lực.
Các đại biểu chứng kiến lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Ngày 5/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) chính thức tổ chức lễ ra mắt trước sự chứng kiến của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện cơ quan ngoại giao các quốc gia châu Á và châu Phi tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) được thành lập từ sự hợp nhất giữa Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông và Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á theo Nghị định 108/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ và Đề án hợp nhất được phê duyệt tại Quyết định 1587/QĐ-KHXH ngày 22/11/2023 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Viện có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về kinh tế - phát triển, chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội, khoa học - giáo dục… và thực hiện hoạt động tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chính sách đối với khu vực Nam Á, Tây Á và châu Phi, bao gồm hơn 80 quốc gia với dân số trên 3 tỷ. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác và tầm ảnh hưởng của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực này cũng như trên thế giới.
Kế thừa những thành quả phát triển từ Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (2004-2023), Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (2011-2023), Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi hiện là đơn vị nghiên cứu khu vực học có quy mô lớn nhất của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cả về phạm vi, đối tượng nghiên cứu và nguồn nhân lực.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước thúc đấy, phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực Nam Á, Tây Á và châu Phi, đây là dư địa nhưng cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách.
Vì vậy, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi cần tiếp tục phát huy, khẳng định hơn nữa vị thế của Viện là một trong các cơ quan uy tín hàng đầu trong nghiên cứu về Nam Á, Tây Á và Châu Phi.
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu cơ bản, Viện cần chú trọng nghiên cứu các vấn đề mới, nổi bật, mô hình phát triển đặc thù để nhận diện, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển trong khu vực, qua đó kịp thời tham mưu, cung cấp luận cứ khoa học trong hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Nam Á, Tây Á và châu Phi.
Đồng thời tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ nghiên cứu viên của Viện. Chú trọng, đào tạo chuyên gia, đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.
Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để vừa củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mối quan hệ hiện có, vừa phát triển các quan hệ hợp tác để tranh thủ mọi nguồn lực, kinh nghiệm, kiến thức của bạn bè quốc tế phục vụ hoạt động của Viện.
Theo Báo điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/ra-mat-vien-nghien-cuu-nam-a-tay-a-va-chau-phi-102240705112628878.htm