Ra quyết định hiệu quả với tư duy phản biện - khó mà dễ
Theo báo cáo tương lai nghề nghiệp của diễn đàn kinh tế thế giới, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện là 2 kỹ năng vô cùng cần thiết để doanh nghiệp có thể phát triển trong tương lai gần. Vậy làm tư duy phản biện có ảnh hưởng như thế nào đến việc ra quyết định hiệu quả? Vì sao lãnh đạo của các doanh nghiệp không thể bỏ qua kỹ năng này?
Câu trả lời sẽ được Tiến Sĩ Hoàng Cửu Long trả lời trong chuyên đề “Đánh giá và ra quyết định hiệu quả với tư duy phản biện”.
Vậy làm thế nào để phát triển tư duy phản biện đúng cách? Đây là nền tảng quan trọng trong việc đánh giá và ra quyết định hiệu quả, tuy nhiên, để trả lời được câu hỏi này, TS. Long cho rằng, lãnh đạo các doanh nghiệp cần hiểu được tư duy phản biện là gì? Tại sao cần tư duy phản biện? Những đặc điểm của người có tư duy phản biện và lợi ích của nó? Ngoài ra, cần phân biệt và làm rõ ngụy biện và phản biện, tranh luận và lập luận trong việc rèn luyện kỹ năng tư duy. Nếu không hiểu rõ những điều này việc đưa ra quyết định sẽ bị cảm tính và thiếu lý trí.
Theo TS. Long, một lãnh đạo doanh nghiệp có tư duy phản biện sẽ hiểu được những mối quan hệ logic giữa các ý tưởng, xác định được mức độ liên quan và tầm quan trọng của các lập luận. Ngoài ra, người đó sẽ phán hiện được sự mâu thuẫn hay sai lầm trong từng vấn đề. Từ những nhận thực này, người có tư duy phản biện sẽ nhanh chóng tìm kiếm được những giải pháp mới dựa trên khả năng đánh giá vấn đề và đưa ra quyết định phù hợp, đúng đắn nhất.
Để rèn luyện tư duy phản biện hiệu quả, người học cần có phương pháp đánh giá mọi việc một cách khách quan. Tức là không được phân tích vấn đề hoặc giải quyết vấn đề theo cảm tính mà phải dựa trên nguồn thông tin chính xác thu thập được. Tiếp đến là sử dụng tư duy logic để phân tích những dữ kiện đó nhằm đưa ra cái nhìn tổng quát? Luôn đặt ra câu hỏi trong mọi trường hợp là một trong những bí quyết để tạo thói quen phản biện. Ngoài ra, trong các trường hợp cần biết cách đảo ngược các vấn đề để tìm ra những vướng mắc. Chưa dừng lại đó, cần tạo thói quen không chấp nhận những kết quả của người khác trước khi bạn tự kiểm tra được việc nó có chính xác hay không?...
Tóm lại khi sử dụng tư duy phản biện để giải quyết vấn đề chính là khi con người: Dựa vào lý trí hơn là cảm xúc; đánh giá các quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề; cởi mở hơn với các vấn đề; chấp nhận những dẫn chứng, giải thích và kết luận mới; sẵn sàng đánh giá các thông tin; bỏ qua định kiến cá nhân và cân nhắc các khả năng hợp ký khả thi chứ không vội vàng đưa ra phán xét.
Ngoài những nội dung thông tin trên, trong chuyên đề của mình TS Hoàng Cửu Long sẽ giúp người học phân tích và đưa ra quy trình giải quyết vấn đề trong 6 bước. Ngoài ra, người học là lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ biết cách tìm ra những sai lầm trong quá trình giải quyết vấn đề để đưa ra các quyết định một cách đúng đắn nhất theo tư duy phản biện.
PV