Sản phẩm của Apple được sản xuất bằng các hóa chất độc hại?
Các tổ chức Lao động và Bảo vệ môi trường trên thế giới đã đưa ra lời kêu gọi các hãng sản xuất điện tử như Apple, Samsung, Dell, HP… dừng đưa các hóa chất độc hại vào trong nhà máy của mình. Những hóa chất độc hại như n-hexane và benzene được cho là có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sản xuất cũng như người sử dụng sản phẩm.
- Apple chính thức tung bản cập nhật iOS 7.1
- 5 model iPhone đang được sử dụng nhiều nhất
- Úc: Apple “chuyển giá” gần 10 tỉ USD để trốn thuế
- Những điều cần biết về hệ điều hành xe hơi của Apple
- Doanh số bán thiết bị Android đã vượt Apple
- Apple mang iOS lên xe hơi
- Lộ diện hình ảnh mặt trước của Apple iPhone 6
- Tìm hiểu về một số công nghệ Pin
Hai tổ chức phi chính phủ là Green America và China Labor Watch không kêu gọi người dùng tẩy chay sản phẩm của Apple nhưng cực lực phản đối các đối tác sản xuất của hãng này khi "để công nhân tiếp xúc một cách không cần thiết... với các hóa chất độc hại".
Hai tổ chức này cho rằng việc Apple để các công nhân tại các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc tiếp xúc một cách không cần thiết với các hóa chất độc hại có thể là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh nan y. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, các nhà máy này sẵn sàng đưa các chất độc hại vào trong nhà máy. Giá như mỗi một sản phẩm iPhone hoặc iPad được chi thêm 1 USD vào chi phí sản xuất, thì các đối tác sản xuât của hãng này không cần phải sử dụng các loại hoá chất độc hại, nhưng dường như họ chẳng hề bận tâm mà chỉ dồn sức để thu lợi nhuận.
Phát biểu với tạp chí Guardian của Anh, ông Kevin Slaten – điều phối viên của tổ chức China Labor Watch cho biết, tổ chức của ông yêu cầu Apple chịu trách nhiệm và loại bỏ các hóa chất dung môi như n-hexan và benzen. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các căn bệnh như ung thư, bệnh bạch cầu, tổn thương hoặc tê liệt hệ thần kinh… Đồng thời, Apple phải có những chính sách phúc lợi thỏa đáng cho người lao động.
Dung môi n-hexane được sử dụng để làm sạch màn hình điện tử trong đó có sản phẩm iPhone của Apple. Thông thường, để làm sạch màn hình điện tử có nhiều cách như sử dụng các loai cồn hoặc rượu, nhưng khi sử dụng các hóa chất, việc rửa khô màn hình sẽ nhanh hơn, do đó người lao động có thể làm sạch nhanh hơn và tiết kiệm thời gian hơn. Công nhân tiếp xúc thường xuyên với hóa chất có thể gây tổn thương hệ thần kinh và thậm chí dẫn đến tình trạng tê liệt. N- hexane được cho là nguyên nhân dẫn đến một số vụ ngộ độc tại các nhà máy sản xuất iPhone tại Trung Quốc.
Benzen là một chất được sử dụng trong công đoạn làm sạch và sơn phủ cho các linh kiện điện tử. Tuy nhiên, nó lại vô cùng nguy hiểm vì gây ra những dị tật cho thai nhi và là thủ phạm chính của bệnh bạch cầu.
Mặc dù, Apple vẫn chưa đưa ra bất kỳ một phản ứng nào trước những thông tin cáo buộc kể trên, nhưng các tổ chức bảo vệ người lao động trên thế giới cho rằng, Apple phải có trách nhiệm cung cấp, đánh giá và kiểm soát vấn đề công nhân lao động tiếp xúc và các hóa chất nguy hiểm.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Apple cho rằng, hãng này luôn yêu cầu các đối tác sản xuất sản phẩm của mình phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về xử lý hóa chất độc hại theo qui định của Ủy Ban An toàn lao động và sức khỏe Hoa Kỳ (OSHA), đó là 500 phần triệu hoặc 1.8g trên mỗi mét khối đối với chất n-hexane và 1 phần triệu đối với chất benzene.
Mới đây, tại New York, Hoa Kỳ, hai tổ chức phi chính phủ Green America và China Labor Watch đã tổ chức một buổi họp báo có chủ đề là “Bad Apple” nhằm đưa ra những nhận định của mình trong việc Apple đã không thực hiện việc sản xuất các thiết bị điện tử của mình một cách an toàn, đồng thời các bên liên quan đã không có những tác động tích cực nào để Apple áp dụng các qui trình sản xuất với những hóa chất an toàn vào trong các nhà máy.
Trên thực tế, Apple không phải là hãng duy nhất bị các tổ chức bảo vệ sức khỏe người lao động và môi trường đưa vào “tầm ngắm”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Apple đã bắt tay hợp tác với rất nhiều đối tác ở Châu Á trong việc sản xuất các thiết bị của mình, trong đó có Trung Quốc. Năm 2011, Tổ chức bảo vệ quyền lao động SACOM đã đổ lỗi các vụ tự sát của công nhân tại các nhà máy Trung Quốc là do điều kiện làm việc quá khắc nghiệt, cũng như một sự cố ngộ độc n-hexane trong năm 2011 tại một nhà máy đối tác của Apple, được cho là đã khiến hàng trăm công nhân bị thương. Phải chăng Apple chỉ quan tâm duy nhất đến lơi nhuận.
Không riêng Apple, hàng loạt các hãng có tên tuổi khác như, Samsung, Dell, HP… cũng phải xem xét đến vấn đề ngăn chặn sử dụng hóa chất độc hại trong các nhà máy và vấn đề vi phạm điều kiện lao động. Theo các chuyên gia như ông Kevin Slaten cho biết, khi người lao động đến làm việc trong các nhà máy họ phải tiếp xúc với hóa chất hàng ngày, vì vậy họ phải được giáo dục về chúng. Tuy nhiên, việc đào tạo ở các nhà máy là gần như không có hoặc không đủ để người lao động có nhận thức đầy đủ về các mối nguy hại mà hóa chất gây ra.
Từ trước đến nay, Apple vẫn luôn cho rằng tổ chức của mình luôn dẫn đầu trong việc loại bỏ các chất độc như chì, thủy ngân, chất chống cháy Brôm và PVC trong các sản phẩm của mình, vì họ mong muốn mang lại những gì tốt nhất cho người lao động cũng như người sử dụng. Khi nói đến việc xử lý hóa chất và các chất độc hại, Apple luôn yêu cầu các nhà cung cấp của mình trên toàn thế giới phải tôn trọng và tuân thủ chặt chẽ các qui định về Vệ sinh an toàn trong sản xuất. Năm 2013, Apple đã tiến hành kiểm tra 200 nhà máy sản xuất của mình tập trung chủ yếu vào vấn đề quản lý hóa chất độc hại, đảm bảo các cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hãng này. Đồng thời, Apple cũng tổ chức các lớp đào tạo về quản lý hóa chất nguy hiểm, vệ sinh công nghiệp và thiết bị bảo hộ lao động.
Hoàng Hải