Sau 21/9, Hà Nội tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ

15:59, 20/09/2021

Chiều 19/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Hà Nội nới lỏng từng bước sau 21/9, duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu kết luận cuộc họp chiều 19/9.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin, theo định hướng của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND Hà Nội thì sau ngày 21/9 thành phố không chia thành các vùng như trước đây mà chia khu vực xuất hiện nguy cơ để phòng, chống dịch cho hiệu quả. Cụ thể, nơi nguy cơ rất cao có ca F0 sẽ trở thành "điểm đỏ" phải áp dụng Chỉ thị số 16, thực hiện phong tỏa, cách ly y tế.

Hà Nội dự kiến cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với điều kiện bảo đảm an toàn. Khu vực có dịch không được xây dựng, hoặc đang triển khai mà có F0 thì phải dừng. "Kinh nghiệm cho thấy, việc nới lỏng phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ. Thành phố sẽ duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào", ông Tuấn nói. Việc này đồng nghĩa người dân từ Hà Nội đi các tỉnh và người dân từ các tỉnh vào thành phố sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Chốt kiểm soát ở trạm thu phí Pháp Vân hôm 14/7. Ảnh: Giang Huy.

Chốt kiểm soát ở trạm thu phí Pháp Vân hôm 14/7.

"Sau ngày 21/9, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, khả thi theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Thành phố sẽ giao các quận, huyện chủ động xem xét, quyết định phê duyệt phương án phòng, chống dịch ở địa phương", Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, từ các mốc thời gian của từng loại vaccine, thành phố sẽ tiếp tục triển khai tiêm mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên khi có nguồn cung vaccine vào tháng 10 và 11 tới. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã QR để kiểm soát người dân ra đường. Đồng thời chú trọng các phương án bảo đảm phòng, chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không di chuyển về thành phố; các điều kiện cần thiết để các công trình xây dựng hoạt động trở lại.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý về nguy cơ xâm nhập dịch từ các địa phương về Hà Nội qua đường bộ, đương thủy đường hàng không; lộ trình, phương án cho học sinh, sinh viên trở lại trường học học tập; quản lý việc ra, vào địa bàn, học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn Thủ đô; phương án phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề; tiếp tục nghiên cứu việc đi lại của người dân; xét nghiệm tầm soát tại các khu vực nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, chú ý phương án tổ chức sản xuất trở lại an toàn.

Trong đợt dịch thứ tư, Hà Nội ghi nhận 3.922 ca Covid-19. Số ca bệnh đã giảm từ trung bình 71,2 ca/ngày trong đợt giãn cách đầu tiên, hiện còn 15 ca/ngày. Thành phố vẫn còn một số điểm nóng về dịch như phường Việt Hưng (quận Long Biên), Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và một vài khu vực thuộc quận Hoàng Mai, Đống Đa.

Hơn 5,6 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine mũi một, đạt tỷ lệ 94,2%.

Trước đó, ngày 14-9, Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã lắp đặt các camera quét mã QR tại 23 chốt kiểm soát phương tiện ở cửa ngõ ra, vào thành phố. Cùng với đó, cả 23 chốt kiểm soát đều được trang bị mạng không dây (wifi) để thuận tiện cho công tác tra cứu, truyền tải dữ liệu về các cấp quản lý.

Trà My (T/h)