Sau dịch COVID-19, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có nhiều khởi sắc
Sáng 4/9, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức đã tổ chức buổi tọa đàm “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá”, tại buổi tọa đàm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết trong vài tháng gần đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng mạnh, bù lại giai đoạn "đìu hiu" của những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Có một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.
Tuy nhiên, để tận dụng được làn sóng đầu tư mới này, các chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam cần phải có cách làm khác trước đây. Đó là tiếp tục cải cách thể chế tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, đồng thời chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa. Có như vậy Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Để chủ động cung cấp thông tin về nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng vào Việt Nam, đồng thời nhận diện rõ hơn những thách thức khách quan và chủ quan trong hợp tác đầu tư nước ngoài, cũng như ghi nhận đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý về những giải pháp đột phá để kịp thời thu hút dòng vốn FDI…, sáng nay ngày 4/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá”.
Khách mời tọa đàm là lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chuyên gia kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế tham vấn về giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài.
Tại tọa đàm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết trong vài tháng gần đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng mạnh, bù lại giai đoạn "đìu hiu" của những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá, sự gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau khi nước ta khống chế hiệu quả dịch COVID-19 cho thấy các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhìn thấy Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh vốn có. Đồng thời, các Hiệp định Thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA được thực thi là "điểm cộng" để Việt Nam càng hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư ngoại.
Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã đưa ra cái nhìn toàn diện, tổng quát, khách quan về những điểm mạnh trong đầu tư nước ngoài, đồng thời chỉ ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ để dòng vốn đầu tư các nước đổ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần có sự cải cách mạnh mẽ, tiếp tục cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư.
Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài “e ngại” các “rào cản” thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp, thậm chí nạn vòi vĩnh, "tham nhũng vặt" của một số công chức trong bộ máy hành chính cả ở trung ương và địa phương.
Về vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – TS Nguyễn Đình Cung đã nhiều lần lên án về vấn nạn “phong bì”, "văn hóa hoa hồng", chi phí bôi trơn… Đây chính là rào cản, là "nút thắt" cản trở rất nhiều đến dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI, mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Điều này cần phải xóa bỏ triệt để và nhanh chóng. Có như vậy Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Thanh Tùng - Nguyệt Hằng