Sau khi 'nóng' nghị trường Quốc hội, livestream bán hàng bị kiểm tra thuế toàn diện
Sau khi gần đây xuất hiện nhiều cá nhân livestream bán hàng với doanh số hàng chục tỷ đồng mỗi phiên, cơ quan chức năng đã có ý kiến về vấn đề này. Tổng cục Thuế yêu cầu kiểm tra toàn diện việc kê khai, nộp thuế hoạt động tiếp thị liên kết, livestream bán hàng.
Tổng cục Thuế có công điện khẩn kiểm tra toàn diện việc livestream bán hàng
Thực hiện chỉ đạo của Chỉnh phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo các cục Thuế địa phương quyết liệt quản lý thuế thương mại điện tử, hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn tiếp tục khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm… đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ,...
Yêu cầu của ngành Thuế được đưa ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, livestream bán hàng đang bùng nổ tại thị trường Việt Nam. Liên tiếp các phiên livestream TikTok được quảng cáo với doanh thu lên tới cả trăm tỷ đồng. Điều này đặt ra vấn đề quản lý thuế với các cá nhân, hộ cá nhân kinh doanh phát sinh thu nhập từ hoạt động livestream.
Sau khi gần đây xuất hiện nhiều cá nhân livestream bán hàng với doanh số hàng chục tỷ đồng mỗi phiên, Tổng cục Thuế yêu cầu kiểm tra toàn diện việc kê khai, nộp thuế hoạt động tiếp thị liên kết, livestream bán hàng.
Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hoạt động livestream bán hàng trên mạng có phát sinh doanh thu và có thể phát sinh thu nhập. Hoạt động này chịu sự điều chỉnh của Luật Thuế và sắc thuế, chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan thuế. Cụ thể, các cá nhân livestream bán hàng nộp thuế thu nhập cá nhân. Hộ kinh doanh livestream bán hàng có thể nộp thuế khoán hoặc kê khai thuế.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, thu thuế hoạt động thương mại điện tử (bao gồm livestream bán hàng) năm 2022 đạt 83.000 tỷ đồng, năm 2023 ở mức 97.000 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã thanh tra, xử lý vi phạm và rà soát 31.570 đối tượng, xử lý vi phạm 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng triển khai các giải pháp để áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 1/8/2024 đối với các loại hình kinh doanh: bán vé sân golf và cung cấp các dịch vụ trong sân; kinh doanh trang phục, dụng cụ, phụ kiện,… phục vụ chơi golf.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cá đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với loại hình nêu trên để các cơ sở kinh doanh hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện nghiêm túc việc kê khai, nộp thuế theo quy định, thúc đẩy việc triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, các đơn vị phải quyết liệt triển khai nhiệm vụ đến các lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo các Phòng, Chi cục Thuế và cụ thể đến công chức quản lý đơn vị để làm việc, tuyên truyền chủ trương, chính sách quy định pháp luật về việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch tới từng cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh sân golf, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sân golf…
Chỉ đạo rà soát, thống kê, đánh giá công tác quản lý thuế để lập kế hoạch áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các loại hình kinh doanh có doanh thu từ hoạt động bán vé tham quan khu du lịch, hoạt động vui chơi giải trí,… báo cáo về Tổng cục Thuế trước ngày 1/8/2024.
Livestream trăm tỷ đồng "nóng" nghị trường Quốc hội
Trong phiên chất vấn chiều 4/6, đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công Thương về việc có hay không những phiên livestream hàng trăm tỷ đồng và quản lý như thế nào. Theo đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của các đại biểu. Một trong những nội dung "nóng" tại nghị trường liên quan đến những phiên livestream trăm tỷ đồng.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu vấn đề có những phiên livestream hàng trăm tỷ đồng hay không và quản lý như thế nào?
Trong khi đó, Đại biểu Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi hiện nay các đơn hàng được thực hiện trên Zalo, Facebook cũng được chuyển qua biên giới, mở đơn hàng đi thẳng nhưng chế tài xử lý chưa có.
Hàng hóa từ người kinh doanh livestream ở thành phố lớn, bên kia biên giới, hàng đặt áp sát biên giới. Hàng hóa này khi được thông quan, được chuyển qua vận tải, chuyển phát nhanh nhưng hiện vướng Luật Bưu chính viễn thông không bắt buộc kiểm tra hàng hóa nên xử lý rất khó khăn.
Ông Hạ nêu vấn đề, việc này không thể chỉ ngành công thương mà đơn vị sở hữu ở bên ngoài, giải pháp như thế nào để bảo vệ người tiêu dùng?
Bộ Công Thương sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý sai phạm bán hàng online, livestream.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói hiện nay, quản lý kinh doanh trên thương mại điện tử khá khó khăn và cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng.
Giải pháp tốt nhất là phải có sự phối hợp. Bộ Công Thương đóng vai trò chủ trì phối hợp với cơ quan có liên quan, dùng lực lượng quản lý thị trường đấu tranh, tìm địa điểm tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý để kịp thời xử lý, chống thất thu thuế.
Giải pháp tiếp theo là kinh doanh thương mại điện tử biến hóa khôn lường nên các quy định quản lý pháp luật phải tiếp tục được rà soát. Đây là vấn đề mới không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng gặp phải. Thương mại điện tử có tốc độ phát triển trên 20%/năm và tương lai còn mạnh hơn nữa vì vậy cơ chế chính sách phải sửa đổi rà soát tiếp.
Giải pháp nữa là phải phát huy vai trò hệ thống chính trị, vai trò của người dân, vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương. Trong trường hợp phát hiện vi phạm thì xóa, yêu cầu chủ phòng livestream xóa kênh thì sẽ giảm được tình trạng vi phạm pháp luật, hàng giả hàng kém chất lượng. Khi có chứng cứ vi phạm thì sẽ hoàn tất hồ sơ, chuyển cơ quan quản lý pháp luật xử lý.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa tiếp tục chất vấn liên quan vấn đề này. Ông Nghĩa nói việc livestream bán hàng trên mạng xã hội có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng doanh thu trong một ngày. Giá bán ở các phiên livestream này rẻ hơn giá bán thông qua các đại lý, gây bất ổn và hoang mang về hàng thật, hàng giả. Ông Nghĩa đặt câu hỏi cơ quan quản lý quan niệm vấn đề này như thế nào, xử lý ra sao?
Cũng theo ông Nghĩa, Bộ trưởng nói nhiều về quản lý các sàn thương mại điện tử nhưng đó là các sàn khi có định danh, đăng ký khi có định danh thì quản lý tương đối dễ. Nhưng hiện nay, livestream của các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo và không mang tính cá nhân nữa.
Đại biểu này cho rằng giải pháp xóa kênh bán hàng như Bộ trưởng đã trình bày trong báo cáo là hướng xử lý không dứt điểm. Bởi, xóa thì khó nhưng lập trang mới thì hoàn toàn dễ dàng. Nếu không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý rất vất vả và luôn đuổi theo như ma trận, rất khó khăn trong khi người tiêu dùng lãnh đủ, cơ quan thuế thất thu.
Theo Tạp chí Thương Trường