Sau thời gian dài để trống, ghế Tổng giám đốc VEAM đã có “chủ”
Sau nhiều lùm xùm liên quan đến việc bãi nhiệm ông Trần Ngọc Hà vì dính líu đến vụ án hình sự. Thời điểm hiện tại, ghế "nóng" của VEAM đã chính thức tìm được "chủ" mới.
Ngày 29/6 vừa qua, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) vừa có loạt thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao.
Cụ thể, VEAM đã tiến hành miễn nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị của các ông: Bùi Quang Chuyện, Ngô Văn Tuyển, Lê Hữu Phúc, Vũ Quang Tâm.
Đồng thời, VEAM cũng đã tiến hành bầu bổ sung các ông: Nguyễn Khắc Hải, Phan Phạm Hà, Phan Kim Khoa làm Thành viên Hội đồng quản trị của công ty nhiệm kỳ 2017-2022.
Bên cạnh đó, VEAM cũng bầu ông Nguyễn Khắc Hải làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ngày 29/6/2020. Cùng thời điểm, ông Phan Phạm Hà cũng được bầu làm Tổng giám đốc VEAM. Như vậy, sau hơn 1 năm (tính từ ngày 29/3/2019) chiếc ghế Tổng giám đốc VEAM đã chính thức có người tiếp nhận.
Trước đó, vào hồi tháng 1/2020, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEAM giới thiệu và có ý kiến để Hội đồng quản trị VEAM bổ nhiệm ông Phan Phạm Hà giữ chức vụ Tổng giám đốc trước ngày 6/1/2020.
Tuy nhiên, sau đó, Bộ Công thương lại yêu cầu bộ phận đại diện phần vốn Nhà nước tại VEAM tạm thời chưa đưa nội dung giới thiệu ông Phan Phạm Hà giữ chức Tổng giám đốc VEAM tại cuộc họp Hội đồng quản trị.
Ông Phan Phạm Hà - Tổng giám đốc mới của VEAM.
Nguyên nhân được Bộ Công thương đưa ra là để xác minh thông tin doanh nghiệp mà ông Hà điều hành trước đây lỗ liên tục trong 3 năm qua và có nguy cơ mất vốn, theo phản ánh của bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại VEAM.
Trước khi được Bộ Công thương cử làm đại diện vốn Nhà nước tại VEAM và đề cử vào chức danh Tổng giám đốc VEAM, ông Hà làm Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội (Hameco).
Theo báo cáo tài chính những năm gần đây của Hameco cho thấy doanh nghiệp này lỗ liên tục. Doanh thu năm 2017 và 2018 của Hameco lần lượt là 230 và 364 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu 645 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu sản xuất công nghiệp 200-250 tỷ đồng một năm.
Ngoài ra, thời điểm đó, theo bộ phận đại diện phần vốn Nhà nước tại VEAM, ông Phan Phạm Hà được đào tạo chuyên ngành tài chính doanh nghiệp thương mại nên không thích hợp với điều hành trong vai trò Tổng giám đốc VEAM với 19/23 công ty con sản xuất cơ khí, chế tạo máy.
Trong một diễn biến khác, ngày 25/3/2020, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 989/QĐ-BCT về việc cử ông Nguyễn Khắc Hải là người đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM với số cổ phần đại diện là 465.080.000 cổ phần chiếm 35% vốn điều lệ của VEAM. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.
Sau đó, ngày 30/3/2020, Hội đồng quản trị VEAM đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Khắc Hải giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc VEAM thay thế ông Ngô Văn Tuyển về nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước.
Trước đó, vào tháng 8/2018, ông Trần Ngọc Hà bị đình chỉ chức danh Tổng giám đốc VEAM . Hiện ông Hà đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra VEAM và một số đơn vị thành viên. Sau khi ông Hà bị đình chỉ, ông Ngô Văn Tuyển được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc VEAM đến cuối tháng 3/2020. |
PV (t/h)