“Sóng điện” giữa trùng khơi Trường Sa

07:49, 29/07/2010

Miệt mài phục vụ, đảm bảo thông tin liên lạc cho các địa bàn vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo của tổ quốc, từng cánh sóng VSAT của VTI cũng vươn mình xa khơi đến với Trường Sa đã từ 13 năm trước.      Từ đó đến nay, mỗi chuyến ra đảo để bảo dưỡng thiết bị là một kỷ niệm khó phai, và là dấu ấn trong cuộc đời làm nghề của các anh em CBCNV Công ty Viễn thông Quốc tế. 

Chuyến ra đảo thứ 13

Những ngày cuối tháng 5/2010, đoàn 4 cán bộ kỹ thuật Trung tâm VTI-3 khoác ba lô ra Trường Sa thực hiện công tác bảo dưỡng thiết bị viễn thông thường niên, đảm bảo thông tin liên lạc cho quần đảo. Con tàu khởi hành trong lúc các báo đài trong và ngoài nước đưa tin tàu ngư chính Trung Quốc tăng cường hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tin họ khai thông mạng điện thoại di động ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam... nên người thân ít nhiều cũng có phần lo lắng. Hành trang của các anh vẫn quen thuộc với những thiết bị viễn thông và thiết bị nguồn mới để thay thế, đồ nhu yếu phẩm dự phòng cho chuyến đi, và nhiều quà tặng của đất liền gửi cho quân dân ngoài đảo.
 

Trời yên biển lặng, tàu đi 2 đêm 3 ngày thì cập đảo Trường Sa Lớn. "Đảo là nhà - Biển là quê hương", chẳng thế mà từng đàn cá heo đẹp đến mê hồn đã vui mừng tung nhảy và đùa giỡn theo mũi tàu ngỏ thành ý được lai dắt vào cầu cảng.  Sự may mắn hiếm hoi này vẫn theo đoàn đi về lại đất liền sau gần 1 tuần làm việc trên đảo, sống và sinh hoạt cùng với từng đơn vị lính, tặng quà của doanh nghiệp cho các em nhỏ trong ngày Tết thiếu nhi 1-6.

Các hạng mục công tác đã được anh em kỹ thuật phối hợp chặt chẽ với phía đảo nhanh chóng hoàn thành, chẳng hạn như thay dàn nguồn ắc quy và một số Invector mới, bảo dưỡng thiết bị tổng đài VSAT, tỉa cành cây cho chảo thu phát tín hiệu tốt hơn, xem xét hoạt động của máy nổ và chất lượng các tấm pin mặt trời, các chân trụ...  Ở ngoài đảo, mùa gió biển đưa hơi nước mặn vào có thể phủ thành lớp muối trên tường nhà và các dây, ổ điện, sẵn sàng bào mòn các loại sắt thép nên nếu không bôi dầu mỡ bảo dưỡng tốt sẽ sớm bị gỉ sét và ăn ruỗng. Nhiều trụ đèn điện mới thế hệ sau này đã phải làm bằng inox đến cả từng con bu-lông và ốc-vít. 

Nhớ lại những chuyến đi giông tố trước

Cơ quan và đồng nghiệp vẫn thường đánh giá cao nỗ lực và có thể nói là sự dấn thân của các anh em CBCNV VTI-2, VTI-3 khi nhận nhiệm vụ ra đảo ngay từ những ngày đầu. Chuyến đi lần này là may mắn vì không gặp biển động, còn “lược sử” thì đã từng có những chuyến cả đoàn phải nằm cả tháng trên đảo để chờ tàu ra đón, hay lênh đênh trên biển tới gần 2 tháng để cắt sóng giữa giông gió và tìm nơi tránh bão... Một khi gặp biển động chỉ cần cấp 6-7 thôi thì dễ tới phân nửa số người phải lao đao, cấp 8-9 thì đã có trường hợp đến Thuyền phó cũng phải “out”, chứ chưa nói đến những trận cuồng phong cấp 11-12.

Những khi gặp biến cố trên biển, các anh em VTI chưa về được đất liền theo hẹn thì người thân lo lắng và cực kỳ căng thẳng. Đã có trường hợp vợ con các anh sụt sùi khóc đứng khóc ngồi, giữ liên lạc thường xuyên với cơ quan và cầu mong đón nhận tin các anh gọi về. Các đội đi ra đảo thường thay phiên nhau, trung bình mỗi người trong đội Phát triển dịch vụ đã từng đi 2 chuyến. Kỷ lục có anh Lê Việt Dũng của VTI-2 đã đi đủ 10 chuyến, trước khi Trung tâm này chuyển giao cho VTI-3 thực hiện tiếp kể từ năm 2007. 

Trường Sa không xa

Hệ thống VSAT sử dụng công nghệ DAMA phục vụ thông tin liên lạc giữa Trường Sa và đất liền được VTI lắp đặt từ năm 1996, đưa vào sử dụng từ năm 1997. Ngay sau khi vệ tinh VINASAT-1 được phóng thành công hồi tháng 5/2008, Trường Sa đã được tăng cường ngay hệ thống mới sử dụng công nghệ PAMA để thu phát tín hiệu qua vệ tinh địa tĩnh này.
 

Còn nhớ, một trong những tấm pin mặt trời đầu tiên mua về Việt Nam là để đưa ra nuôi VSAT ở Trường Sa. Tới nay VTI đã trang bị tới loại pin thế hệ thứ 3 cho quần đảo, cùng với việc trang bị các loại máy nổ chạy dầu công suất tới 50KVA để phục vụ cho hoạt động thông tin và thắp sáng của ... Tất cả những điều đó cho thấy, sự quan tâm và hỗ trợ của VNPT với Trường Sa là lớn như thế nào, và đã từ rất sớm.

Suốt thời gian 13 năm phục vụ thông tin liên lạc cho Trường Sa, với các kênh thoại chính thống và có độ an toàn và bảo mật cao, VTI đã chú trọng      thực hiện chế độ bảo dưỡng thường niên để luôn đảm bảo chất lượng kênh truyền tốt nhất.    Đáng lưu ý là các thiết bị nguồn (máy nổ, pin mặt trời, dàn ắc quy lớn) của VTI cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho quân dân trên các đảo. Giờ Trường Sa đã có thêm các dự án năng lượng khác song vẫn còn trong giai đoạn dùng thử nghiệm, với số lượng còn hạn chế.

Hai năm trở lại đây đã có ngày càng nhiều các chuyến tàu từ đất liền ra thăm biển đảo, thậm chí từ tháng 7/2010 này nhà nước còn thực hiện chính sách đưa thân nhân của cán bộ chiến sỹ ra thăm người lính ngoài khơi xa. Việc đưa sóng thông tin ra các đảo, thậm chí cả các nhà giàn DK1, DK2 đã khẳng định rõ nét hơn vai trò, tầm vóc của Tập đoàn, nâng cao hình ảnh thương hiệu VNPT.

Từng đó thời gian, từng đó sức người và của, từng đó nụ cười và nước mắt của mỗi con người Bưu điện dành cho Trường Sa, để thấy rõ hơn tinh thần trách nhiệm và tình cảm của Tập đoàn BCVT Việt Nam với biển đảo quê hương. 

Chí Bằng