Sử dụng liên minh công nghệ mới để phục hồi kinh tế sau Covid-19

Nguyệt Hằng 15:54, 21/04/2020

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, một nhóm công ty về khoa học dữ liệu đã sáng lập ra Liên minh Emer2gent, đây là một ứng dụng dùng để tập hợp và phân tích dữ liệu tìm cách giải quyết tác động kinh tế của Covid-19.

Nguyên nhân dẫn đến suy thoái nền kinh tế

Đại dịch Covid-19 đã làm cho cả thế giới phải chao đảo, lý giải cho sự khủng hoảng này Nhà báo Les Echos đã đưa ra bốn nguyên nhân. Thứ nhất đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu, toàn bộ các quốc gia, các lĩnh vực đều lần lượt bị cuốn vào, với biện pháp phong toả, cách ly liên quan đến một nửa nhân loại, tính cho đến nay.

Thứ hai việc nền kinh tế đột ngột dừng lại do sự đình chỉ hoàn toàn một bộ phận quan trọng của sản xuất và nhu cầu tiêu thụ là rất khác với một cuộc khủng hoảng tài chính, hay một nền kinh tế chuyển hướng sang kinh tế thời chiến, để dành các nguồn lực cho quốc phòng.  

Thứ ba, đây là một cuộc khủng hoảng phức tạp, bao gồm trong đó ba cuộc khủng hoảng đan xen vào nhau. Khủng hoảng y tế, với các mô hình dự báo cho thấy có thể đến 40 triệu người chết, nếu không có đáp ứng kịp thời của y tế công. Khủng hoảng kinh tế, với sự sụt giảm hoạt động kinh tế toàn cầu lên đến 3 đến 4% trong năm 2020. Và khủng hoảng tài chính với sự sụp đổ của các thị trường, với nguy cơ phá sản và sa thải dây chuyền. 

Nguyên nhân thứ tư có thể nói, đây là một đại khủng hoảng chưa từng có, là quy mô và tốc độ của các biện pháp hỗ trợ tài chính được đưa ra, chưa từng thấy, với tổng số tiền lên tới hơn 7.000 tỉ đô la, tín dụng, tiền bảo đảm từ phía các quốc gia, Ngân hàng trung ương các nước để bảo vệ các doanh nghiệp và các gia đình. 

Sản xuất thời COVID-19 gặp nhiều khó khăn.

Làm thế nào để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chưa từng có này? Theo tác giả, bởi cú sốc nói trên bắt nguồn từ khủng hoảng y tế (xuất phát từ Trung Quốc, do Bắc Kinh đã che giấu dịch bệnh), cần phải giải quyết trước hết vấn đề về mặt y tế, thiết lập lại tình trạng an toàn y tế cho xã hội.

Cần phải rút ra trước hết các bài học từ ‘‘các chiến lược duy nhất có hiệu quả’’ của ‘‘các nền dân chủ châu Á’’: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Bài học đó là, Nhà nước đóng vai trò dẫn đường, điều hợp các đối tác xã hội, cung ứng kịp thời cho toàn xã hội các phương tiện bảo vệ, các test xét nghiệm, sử dụng rộng rãi công nghệ số, cũng như kêu gọi tinh thần, trách nhiệm công dân. 

Điểm thứ hai cho phép thoát ra khỏi khủng hoảng phụ thuộc vào sự sống còn của các doanh nghiệp. Từ đó mà tăng trưởng có thể trở lại. Điều khẩn cấp hiện nay là triển khai nhanh chóng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. 

Điểm thứ ba, theo tác giả, cần đặc biệt chú ý là các nguy cơ mang tính toàn cầu. Cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay cho thấy ‘‘một chu kỳ toàn cầu hoá đã khép lại’’, tiến trình toàn cầu hoá trong chu kỳ này vốn đã bị khủng hoảng tài chính 2008 làm chao đảo. Cuộc khủng hoảng hiện nay khiến các quan hệ quốc tế thêm căng thẳng, đặc biệt là cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng này cũng cho thấy những nguy cơ lớn đặt ra ‘‘khi các định chế quốc tế đa phương bị giải thể, hay bị bỏ rơi vào tay Trung Quốc’’, với ‘‘các hậu quả thê thảm’’ đã thấy rõ, qua vai trò của Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong việc xử lý cuộc khủng hoảng này. Cách nhìn nhận những thách thức đặt ra hiện nay cần phải hoàn toàn khác với hai thập niên đầu của thế kỉ XXI. 

Liên minh công nghệ để thoát khỏi sự suy thoái toàn cầu?

Tác động của dịch COVID-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều tổ chức, chuyên gia và cộng đồng quốc tế đều cho rằng dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, thiệt hại tương đương với các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu trước đây. Dịch càng kéo dài, thiệt hại ngày càng lớn, nguy cơ có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kéo theo hệ lụy là khủng hoảng xã hội do thiếu nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản.

Nhiều nhận định cho rằng, COVID-19 đã cho chúng ta nhiều bài học về phát triển, có thể tạo ra nhận thức mới, xu hướng mới về đầu tư, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị với mục tiêu phân tán rủi ro, hạn chế tác động dây chuyền và lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn.


Ví dụ như mới đây trên tờ Zdnet cũng đã có một gợi ý liên minh công nghệ mới để vực dậy nền kinh tế toàn cầu.

 Theo đó, Rolls Royce và một nhóm công ty về khoa học dữ liệu bao gồm IBM, Google Cloud, Truata và Viện phân tích dữ liệu Leeds đã thành lập nhóm hợp tác để mô hình hóa sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Liên minh có tên là Emer2gent (https://emer2gent.org/)

Các thành viên ban đầu của liên minh bao gồm Viện phân tích dữ liệu Leeds, IBM, Google Cloud, The Data City, Truata, Rolls-Royce và ODI Leeds. Whitespace, một chuyên gia đổi mới, sẽ điều phối nhóm.

Từ góc độ dữ liệu, Emer2gent sẽ kết hợp các bộ dữ liệu kinh tế, kinh doanh, du lịch và bán lẻ với dữ liệu hành vi, cảm xúc để mô hình hóa sự phục hồi kinh tế vì hành vi của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng đến mức độ phục hồi. Ví dụ, người tiêu dùng có thể cảnh giác với đám đông và kiềm chế đến các nhà hàng, quán bar, sân vận động thể thao và phim ảnh.

Theo Emer2gent, mục tiêu của liên minh là tạo ra các mô hình để đưa mọi người quay trở lại làm việc và xác định các chỉ số hàng đầu. Những chỉ số này sẽ ảnh hưởng tích cực đến đầu tư, các hoạt động của doanh nghiệp và chính phủ.

Về mặt công nghệ, Emer2gent sẽ sử dụng Google Cloud Public Datasets và Google Cloud BigQuery cũng như IBM Cloud Pak for Data với quyền truy cập vào nhóm khoa học dữ liệu của IBM.

Viện Leeds sẽ cung cấp nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực, Rolls Royce cung cấp thông tin chuyên môn trong phòng thí nghiệm dữ liệu về công nghệ ngành. Truata sẽ đảm bảo việc bảo vệ dữ liệu và The Data City sẽ cung cấp dữ liệu thời gian thực về nền kinh tế.

Ứng dụng này cũng sẽ giúp chúng ta đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…

Đồng thời, hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát.

PV/TH