GDP giảm 6%, kinh tế Pháp rơi vào suy thoái
Ngày 8-4, Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết tăng trưởng kinh tế của Pháp giảm khoảng 6% trong quý đầu của năm nay vì hoạt động kinh tế đình trệ nghiêm trọng do đại dịch Covid-19
Ngày 8-4, Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết tăng trường kinh tế của Pháp giảm khoảng 6% trong quý đầu của năm nay vì hoạt động kinh tế đình trệ nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Đây là mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1945.
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Trung ương Pháp với 8.500 công ty, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trên toàn quốc từ ngày 17-3 đến 3-4 đã khiến hoạt động kinh tế sụt giảm tới 32%.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, ông François Villeroy de Galhau cho biết: Cứ mỗi hai tuần của lệnh phong tỏa làm mất 1,5% GDP hằng năm và thêm 1% thâm hụt ngân sách. GDP đã giảm 0,1% trong quý 4 của năm 2019 và tình trạng này diễn ra liên tiếp trong 2 quý. Như vậy về mặt kỹ thuật, kinh tế Pháp đã rơi vào suy thoái.
Kết quả khảo sát của Ngân hàng Trung ương Pháp gần sát với con số của Viện thống kê quốc gia Pháp (INSEE), ước tính ở mức 35%. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là xây dựng, giảm tới 3/4 hoạt động. Các ngành thương mại, vận tải, lưu trú và nhà hàng đã giảm 2/3 hoạt động. Ngành sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể, giảm gần một nửa hoạt động, còn các dịch vụ thị trường khác giảm khoảng 1/3. Tính tổng cộng, các lĩnh vực này, chiếm 55% GDP, đã mất một nửa hoạt động bình thường.
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Trung ương Pháp với 8.500 công ty, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trên toàn quốc từ ngày 17-3 đến 3-4 đã khiến hoạt động kinh tế sụt giảm tới 32%.
Các ngành khác ít bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, chiếm chưa đến một nửa GDP, gồm nông nghiệp, luyện kim, khai thác và sản xuất nhiên liệu, dịch vụ phi thị trường hoặc dịch vụ tài chính và bất động sản. Sản xuất của ngành dược phẩm và công nghiệp thực phẩm duy trì ở mức tốt hơn, 79% và 71%.
So với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1968, sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế do lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, lớn hơn nhiều. Trong ngành công nghiệp, báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy mức sụt giảm khoảng 1,5 lần trong quý đầu năm 2020 so với quý 4 trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 . Đối với các dịch vụ thị trường, mức giảm này cao hơn bốn lần.
Đầu tháng 3, trước khi có các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, Ngân hàng Trung ương Pháp đã đưa ra dự báo về tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2020 là 0,1%.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết, doanh thu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã sụt giảm rất mạnh trong tháng 3. Có 17% doanh nghiệp nhỏ và 22% doanh nghiệp đã đăng ký vay tiền ngân hàng. Ngoài ra, 130 nghìn doanh nghiệp đã nộp đơn để nhận các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh.
Ngân hàng Trung ương Pháp lưu ý rằng đây mới chỉ là kết quả khảo sát tạm thời vì tình hình còn diễn biến phức tạp. Lệnh hạn chế di chuyển đã được gia hạn tới ngày 15-4 và Chính phủ vẫn để ngỏ khả năng kéo dài thêm nếu bệnh dịch còn tiếp tục lây lan.
Ông Philippe Martin, Phó Chủ tịch Hội đồng phân tích kinh tế, cho biết các biện pháp do Chính phủ đưa ra nhằm duy trì và khôi phục hoạt động kinh tế đã được ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, tình hình hiện nay không như các cuộc khủng hoảng tài chính hay dầu mỏ thông thường. Nền kinh tế Pháp đang suy thoái, còn người dân hạn chế chi tiêu cùng với chế độ thất nghiệp tạm thời.
Trong khi đó, sau cuộc họp ngày 7-4, Bộ trưởng Tài chính của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn chưa đạt được thỏa thuận về các biện pháp kinh tế chung để đối phó và khắc phụ hậu quả do khủng hoảng dịch bệnh gây ra. Bất đồng vẫn còn giữa các nước thành viên ở phía bắc và phía nam đối với đề xuất phát hành trái phiếu eurobond nhằm mục đích tài trợ cho các chi phí y tế và cứu nguy nền kinh tế của các nước thành viên EU.
PV (TH)