Sự kiện - Bình luận: Kết nối và bất an
09:00, 05/08/2013
Người sử dụng thiết bị công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt là người dân Mỹ thời gian qua bị chấn động bởi việc ngày 5 - 6/6/2013, các tờ Guardian và Washington Post đã đưa tin về một chương trình nghe lén do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) thực hiện.
- Edward Snowden: NSA do thám các công ty
- Apple bác bỏ tin đồn NSA có thể cài phần mềm gián điệp lên thiết bị iOS
- Obama giới hạn các chuỗi cuộc gọi mà NSA có thể theo dõi
- Apple bác bỏ cáo buộc liên kết với NSA
- NSA có thể cài phần mềm gián điệp lên iPhone
- NSA theo dõi các cuộc gọi của 35 nhà lãnh đạo thế giới
Thông tin cho biết, NSA đã can thiệp vào máy chủ của các công ty Internet lớn (danh sách được liệt kê có Google, Facebook, Yahoo, và cả Microsoft...) để thu thập thông tin. Dữ liệu của các công ty điện thoại cũng bị theo dõi trong một chương trình bí mật có tên gọi Prism, được thực hiện từ năm 2007. Trong suốt thời gian qua, các nguồn tin cũng cho biết, không chỉ ở Mỹ, NSA còn tiến hành việc nghe lén tại nhiều nước và khu vực khác trên thế giới.
Chính phủ Mỹ đang hết sức vất vả để xử lý “scandal” bị cho là “hạ nhục” nước Mỹ - nơi vốn được coi là thiên đường của tự do với nhiều lời cải chính và biện minh. Tuy nhiên có một sự thật thấy rõ, người dùng các sản phẩm công nghệ ngày nay đừng hy vọng các thông tin của mình “truyền đi” được bảo mật một cách hoàn hảo nhất. Khi bạn đã chấp nhận kết nối vào mạng toàn cầu thì có thể là vô tình, có thể là hữu ý, các thông tin cá nhân của bạn và những người có liên quan sẽ bị tiết lộ một phần hoặc tất cả. Đây cũng là mặt trái của công nghệ và chúng ta phải chung sống với nó bằng cách cẩn trọng và không tuỳ tiện nhất là với những thông tin mang tính cá nhân cao.
Lúc “vụ án” mang tên Prism đang thu hút dư luận thì thế giới cũng chứng kiến sự “trao qua đổi lại” giữa Huawei và cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), Michael Hayden, khi một bên cho rằng hãng này làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, và một bên bác bỏ thông tin này. Tại Việt Nam, trong tháng 7/2013 cũng có vụ một công dân, sau khi bị mất điện thoại thì các thông tin các nhân của người này trong điện thoại (và trong thẻ SIM) đã bị kẻ xấu lợi dụng chiếm đoạt hàng chục triệu đồng trong tài khoản tại ngân hàng...
Chưa bao giờ, người dùng các thiết bị công nghệ lại bất an như ngày nay, nhưng chúng ta không thể không dùng những thiết bị và phát minh ưu việt này. Tấm huy chương nào cũng có hai mặt, lời khuyên của chúng tôi là bạn hãy “kết nối có trách nhiệm” để hạn chế những rủi ro không đáng có khi các thông tin cá nhân bỗng nhiên bị phơi bày.
Trần Nhật Bình