Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, quán triệt thực hiện các chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ GTVT, Cục ĐBVN đã quyết liệt, chủ động tổ chức chức hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm 2023; với sự thống nhất, tập trung trong công tác chỉ đạo điều hành và tinh thần trách nhiệm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức; qua 6 tháng đầu năm Cục ĐBVN đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra.
Tập trung cải cách hành chính và phát triển Chính phủ số
Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Cục thực hiện duy trì 66 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 41 dịch công toàn trình (mức độ 4) và 25 dịch vụ công một phần; trong đó, tiêu biểu là việc mở rộng triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) đổi GPLX trên cổng dịch vụ công quốc gia phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022; Đến nay, đã có 10.156 hồ sơ đăng ký; trong đó đã cấp 8.999 GPLX, đang xử lý 1.157 hồ sơ. Số lượng hồ sơ tiếp nhận tăng dần; hiện nay, tiếp nhận trung bình 150 hồ sơ/ ngày. Việc triển khai cấp đổi GPLX trực tuyến toàn trình trên công DVCQG đã góp phần đơn giản, giảm bớt thủ tục hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc giải quyết thủ tục hành chính đổi GPLX.
Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại Hội nghị
Thực hiện nâng cấp phần mềm quản lý văn bản để liên thông văn bản điện tử đến tận cấp Chi cục, triển khai văn bản đi ký số điện tử cá nhân (trừ văn bản mật); việc ký số cá nhân được thực hiện trên USB token và trên SIM KPI. 100% văn bản, hồ sơ (trừ văn bản mật) của các đơn vị thuộc Cục được xử lý, gửi, nhận hoàn toàn dưới dạng điện tử; số hóa kết quả giải quyết TTHC. Thực hiện cập nhật 100% số liệu báo cáo, thống kê lên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; hệ thống theo dõi kết quả nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ GTVT giao; hệ thống quản lý cán bộ; hệ thống thông tin lưu trữ tài liệu điện tử; phần mềm quản lý thông tin về khoa học và công nghệ ngành GTVT.
Mô hình kiểm tra tải trọng xe tự động áp dụng cho hệ thống đường bộ cao tốc, hệ thống quốc lộ và các trục đường có nhiều xe tải lưu thông để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng xe chở hàng vượt quá tải trọng.
Đặc biệt, trong 6 tháng năm 2023, Cục ĐBVN đã triển khai Phần mềm đánh giá, xếp loại công chức, viên chức và lao động hợp đồng của Cục (tích hợp với phần mềm quản lý văn bản) để CCVC biết rõ tình hình thực hiện nhiệm vụ của mình để tự soi, tự sửa, kịp thời điều chỉnh để hoàn thành nhiệm vụ giao; giúp cho cấp trưởng đơn vị nắm được tình hình thực hiện nhiệm vụ hàng tháng, hàng quý của đơn vị, của CCVC để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở… và phục vụ công tác quy hoạch, điều động, luân chuyển, khen thưởng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ.
Triển khai Ứng dụng DRVN - Cục ĐBVN trên thiết bị di động để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh kiến nghị trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Triển khai Website Trung tâm chỉ đạo điều hành (https://ttdh.drvn.gov.vn) với mục đích để cập nhật, theo dõi các chỉ số, thông tin ngành đường bộ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ. Đồng thời Cục ĐBVN cũng triển khai số điện thoại đường dây nóng 1900.599.870, kênh Zalo Cục ĐBVN để mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh kiến nghị trong lĩnh vực giao thông đường bộ để xử lý kịp thời, hiệu quả (trong 6 tháng đầu năm 2023, đường dây nóng của Cục đã tiếp nhận 7.107 cuộc gọi đến; bao gồm các lĩnh vực: Công tác ATGT, phòng chống thiên tai, KSTTX; Công tác Vận tải, PTNL; Công tác cấp, đổi giấy phép lái xe…. Các cuộc gọi đến đường dây nóng, đã được Bộ phận tiếp nhận và giải đáp kịp thời theo quy định).
Tăng cường chuyển đổi số
Hoàn thành xây dựng, nâng cấp Cơ sở dữ liệu (CSDL) các lĩnh vực: Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ; Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Kiểm soát tải trọng xe; Quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ...
Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống CSDL nêu trên làm nền tảng hoàn thành các CSDL dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT và triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; đảm bảo tính đồng bộ, chính xác, khách quan, hiện đại của hệ thống CSDL; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Để tiếp tục thúc đẩy ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ, Cục ĐBVN đã triển khai xây dựng Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030” trình Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 7/2023. Đề án sẽ xây dựng các nhiệm vụ có tính tổng thể, được triển khai theo lộ trình, kế thừa cơ sở dữ liệu (CSDL) và hạ tầng CNTT hiện có; nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng, khai thác dữ liệu để thực hiện phân tích dự báo, tạo lập số liệu để hỗ trợ cho các quyết định chính sách và phục vụ công tác quản lý, điều hành của Cục ĐBVN và các Sở GTVT. Đề án sẽ là cơ sở để Cục ĐBVN ứng dụng toàn diện CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường bộ từ trung ương đến địa phương nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.
Các lĩnh vực công tác quản lý vận tải, phương tiện người lái; công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; công tác xây dựng cơ bản được Cục triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.
Tham mưu, triển khai kịp thời các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ, chất lượng
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Cục ĐBVN xác định phải tập trung cao độ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ GTVT tại các nghị quyết, chỉ thị, văn bản... để tham mưu, triển khai kịp thời các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ, chất lượng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của Bộ.
Trong đó, tập trung hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự thảo văn bản QPPL được Bộ giao theo kế hoạch năm 2023; Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo trì; các dự án dây dựng cơ bản, đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao cả năm 2023.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu phí điện tử không dừng tiến tới thực hiện thu phí đa làn tự do để cung cấp dịch vụ tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện, triển khai đồng bộ hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động trên hệ thống quốc lộ và đường cao tốc.
Đồng thời rà soát, báo cáo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục ĐBVN sau khi chuyển đổi tổ chức từ Tổng cục ĐBVN.
Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ GTVT sớm phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030” để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Chỉ đạo các Vụ tham mưu phối hợp với Cục ĐBVN rà soát, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án thuộc Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030”; bố trí các nguồn vốn phù hợp để thuê dịch vụ hạ tầng CNTT và duy trì vận hành các hệ thống thông tin đã được đầu tư trong Đề án.
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải