Lấy ý kiến Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ

18:34, 20/04/2023

Sáng ngày 20/4, Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Đề án 'Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030'.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Phòng Vận tải và Người lái cho biết, Đề án gồm 5 phần tập trung phân tích hiện trạng và sự cần thiết xây dựng đề án; quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; tổ chức thực hiện; đánh giá hiệu quả và đề xuất, kiến nghị.

Theo ông Đỗ Công Thủy, hạ tầng CNTT của Cục còn hạn chế, chưa được đầu tư mới, công nghệ lạc hậu, tải hệ thống luôn cao, gây nguy cơ quá tải, không sẵn sàng cho việc mở rộng, nâng cấp các hệ thống phần mềm, cũng như không thể tận dụng hệ thống mới.

Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ.

Nhìn chung, Cục đã tích cực xây dựng và đưa vào vận hành một số ứng dụng CNTT bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, các ứng dụng hầu hết được triển khai ở quy mô toàn quốc phục vụ công tác quản lý vận tải, đào tạo sát hạch, quản lý GPLX, đặc biệt là các dịch vụ công phục vụ công tác cải cách hành chính và hướng tới tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đề án tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp về các lĩnh vực quản lý vận tải, quản lý phương tiện và người lái, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng quản lý điều hành và công tác nội bộ…

Theo Ban tổ chức, Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030" đã được gửi lấy ý kiến của 63 Sở GTVT, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT… để tới đây trình Bộ GTVT.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Ban tổ chức đang tập hợp các ý kiến của các đơn vị gửi về, và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Với việc được áp dụng đề án này sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước theo chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2023-2025 định hướng đến 2030 nhằm đổi mới phương thức lề lối làm việc, hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường tính công khai minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động điều hành lĩnh vực đường bộ. Do việc khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề án này là hết sức cần thiết và phù hợp tình hình thực tế.

Chân Hoàn (T/h)