Vân Đồn: Ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học
Những năm qua, ngành Giáo dục huyện Vân Đồn đã có nhiều bước tiến về chất lượng dạy học. Các trường học trên địa bàn không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, nhất là tích cực chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học...
Học sinh Trường THCS thị trấn Cái Rồng sử dụng máy tính xách tay khi học tập.
Nhờ được trang bị hệ thống phòng học thông minh, Trường THCS thị trấn Cái Rồng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học. Đến nay, nhà trường có 13/13 phòng học thông minh (9 phòng cấp độ 1 và 4 phòng cấp độ 2) với nhiều trang thiết bị hiện đại. Các phòng cấp độ 1 có camera, hệ thống loa máy, bảng tương tác, micro, máy tính xách tay cho giáo viên, đường truyền Internet. Các phòng đạt cấp độ 2, mỗi phòng có thêm các 40 máy tính cho học sinh.
Thầy giáo Phạm Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cái Rồng, cho biết: Nhờ có phòng học thông minh, nhà trường có thể ứng dụng CNTT hiệu quả vào các môn học, nhất là môn tiếng Anh và các môn khoa học tự nhiên. Giáo viên chủ động hơn trong việc thiết kế các bài giảng sinh động, sáng tạo, sử dụng nhiều phần mềm dạy học mới, với nhiều hình ảnh, tư liệu, video minh họa. Học sinh cũng hứng thú hơn với việc học, tương tác với thầy cô nhiều hơn.
Thời gian qua, huyện Vân Đồn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học khang trang, hiện đại. Huyện hiện có 31/33 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (93,93%). Theo Phòng GD&ĐT huyện, đối với các cấp học do Phòng quản lý, hiện có 1 trường có phòng học thông minh; 3 trường có thư viện thông minh, thiết bị máy chiếu hoặc ti vi để phục vụ việc dạy học. Tỷ lệ máy chiếu, ti vi/phòng học của các trường trong huyện đến nay đạt khoảng 70%.
Giáo viên Trường THCS Đông Xá sử dụng máy chiếu khi giảng dạy.
Hiện toàn bộ thông tin của cán bộ giáo viên, học sinh huyện được cập nhật lên phần mềm trực tuyến. 100% trường tiểu học, trung học sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Phòng GD&ĐT huyện đã liên thông văn bản điện tử đến các cơ quan trong huyện, tỉnh; đảm bảo 100% văn bản đi, đến được số hóa và xử lý trên phần mềm trực tuyến. 100% CBVC Phòng GD&ĐT huyện có tài khoản để truy cập và xử lý công việc trên phần mềm.
Năm học 2021-2022, các trường có cấp THCS của huyện đã sử dụng phần mềm tuyển sinh đầu cấp trên môi trường số. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023, toàn bộ thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến. Thông tin hồ sơ của thí sinh được trích xuất tự động từ cơ sở dữ liệu, không dùng hồ sơ giấy. Ngành Giáo dục huyện phấn đấu hoạt động tuyển sinh lớp 1, lớp 6 thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên môi trường số.
Bà Nguyễn Hải Yến, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: Năm học 2022-2023, Phòng tiếp tục chỉ đạo các trường ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập, thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT; đặc biệt khai thác, sử dụng ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý hồ sơ, sổ sách; bồi dưỡng đội ngũ, kiểm tra, đánh giá học sinh. Ngành tiếp tục triển khai xây dựng bài giảng điện tử, bài giảng trực tuyến dùng chung, phục vụ tốt nhu cầu tổ chức dạy học trực tuyến của các cơ sở giáo dục.
Theo Báo điện tử Quảng Ninh