Tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng
Những năm gần đây, các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Youtube, Facebook… dần chiếm lĩnh thị trường giải trí tại Việt Nam. Để thu hút tương tác, một số cá nhân đã bất chấp những chuẩn mực về đạo đức, pháp luật để phát tán những thông tin, hình ảnh phản cảm, không đúng với thuần phong mỹ tục, tác động xấu đối với cộng đồng. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ hơn các nền tảng mạng xã hội này để đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng.
Mặt trái của các trang mạng xã hội
Lợi ích tích cực mà mạng internet đưa lại đã là điều không ai có thể phủ nhận và chúng ta vẫn đạng tận dụng điều đó hàng ngày. Tuy nhiên, đi cùng lợi ích mang lại thì sự phát triển chóng mặt của mạng internet cũng mang lại nhiều hệ lụy. Rõ ràng nhất hiện nay là sự gia tăng của những tin độc, tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội. Những thông tin này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển, hình thành nhân cách, đạo đức xã hội; xâm phạm đến danh dự, uy tín, lợi ích kinh tế của cá nhân, tổ chức mà còn gây nên những tác động tiêu cực trong dư luận xã hội, gia tăng tội phạm, mất trật tự an ninh xã hội; làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên. Có thể nói, mạng xã hội đang là phương tiện nguy hiểm, với đặc tính lan truyền nhanh, có khả năng mở rộng phạm vi tác động, vượt qua rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, gây tác hại trên diện rộng hơn bất cứ hình thức chống phá nào khác của các thế lực thù địch.
Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện thông tin xấu, độc tán phát trên internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống, tin đồn thất thiệt, thông tin nhảm nhí, rùng rợn…; thông tin cổ vũ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lô đề, cờ bạc, cá độ, vay nặng lãi, tham gia vào các hội kín, nhóm kín trên mạng xã hội dẫn đến vi phạm kỷ luật, pháp luật; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như: lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát virus…
Bên cạnh đó, những thông tin sai trái, độc hại có tính chất chính trị, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch, kích động… Về thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc thì các đối tượng lợi dụng các trang mạng lớn trên thế giới như Facebook, kênh Youtube làm công cụ phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt.
Đáng chú ý, môi trường YouTube bị “ô nhiễm” xuất phát từ hành động của một bộ phận cá nhân tham gia thực hiện hành vi xúc phạm nhau, thậm chí là lừa đảo, tung tin giả bất chấp quy định của Nhà nước. Những suy nghĩ lệch lạc đó dễ dàng phát tán trên không gian mạng bởi pháp luật và các công cụ quản lý còn chưa bao phủ được hết nền tảng này, với lượng người sử dụng ngày một đông, YouTube dường như không còn tìm được hướng đi phù hợp. Đáng nói, tình trạng “rác ngập tràn” trên nền tảng này không chỉ làm vẩn đục không gian mạng mà còn gây nhiều mối nguy hại cho con người, xã hội.
Điển hình như kênh Youtube Người Việt - Lạc Phong mới đây đã đăng tải video chứa nội dung nhảm nhỉ với ngôn từ không chuẩn mực, mang hình ảnh cá nhân người khác ra để dùng lời lẽ chửi bới, bôi nhọ, xúc phạm... Tuy chỉ thời gian ngắn nhưng cũng đã thu hút đến hàng chục nghìn người xem. Điều này có thể gây hệ luỵ lớn cho những người theo dõi. Mặc dù trước đó, những video chứa nội dung xuyên tạc, vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng; hay những video chửi bới, ăn chơi của “giang hồ mạng” Khá “bảnh” đã bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm khắc.
Mặc dù hầu hết video dạng trên đều được dàn dựng, làm theo kịch bản có sẵn nhằm mục đích câu view nhưng rõ ràng với những nội dung cổ súy cho các hành động nhảm nhỉ, ngôn từ không phù hợp đang tạo ra một luồng tư tưởng xấu, ảnh hưởng không nhỏ tới những người trẻ, đối tượng theo dõi chính của clip. Do vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh xử lý những kênh có nội dung xấu như trên, tránh để tư tưởng tiêu cực có cơ hội lây lan ra cộng đồng.
Cần xử lý nghiêm các kênh có nội dung “bẩn”
Để ngăn chặn hiệu quả các video có thông tin, nội dung xấu độc trên không gian mạng đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cũng như người sử dụng mạng xã hội. Trong thời gian tới, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu thay đổi hành lang pháp lý theo hướng chặt chẽ hơn cũng như tăng mạnh các chế tài xử phạt đủ để khiến những người sản xuất video “bẩn” trên nền tảng số phải biết “chùn tay”, e ngại. Cần thiết thì áp dụng xử lý hình sự đối với các trường hợp làm nhục, vu khống người khác trên mạng xã hội để làm gương.
Thứ hai, tăng cường thanh tra toàn diện các trang mạng xã hội trong thời gian tới, nếu thanh tra có sai phạm cần phải xử lý nghiêm để làm trong sạch nội dung trên không gian mạng; kiên quyết dẹp bỏ, xử lý nghiêm các kênh có video chứa nội dung “bẩn”. Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng cơ chế làm việc và có đầu mối hợp tác với Việt Nam để xử lý các tài khoản, video clip xấu, độc.
Thứ ba, quan tâm hơn nữa đến loại tội phạm công nghệ cao trong tình hình mới bằng các hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ, thiết lập hệ thống phòng vệ để chủ động và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm; kịp thời trang bị các phần mềm, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu bổ sung kịp thời các chế định về các hành vi tội phạm, chứng cứ, các biện pháp ngăn chặn... trong Bộ luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Thương mại điện tử,... phù hợp với đặc thù và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Tiếp tục thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thứ tư, để ngăn chặn hiệu quả các video có thông tin, nội dung xấu độc trên không gian mạng, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cũng đòi hỏi sự phối hợp tích cực của người sử dụng mạng xã hội. Mỗi người dân tham gia mạng xã hội cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình. Hãy trở thành người sử dụng thông minh, tỉnh táo, theo dõi có chọn lọc các nội dung lành mạnh, hữu ích; đồng thời, kiên quyết phê phán, lên án, tẩy chay các thông tin độc hại. Một trong những cách làm đơn giản hiệu quả nhất của người xem trên mạng là khi thấy một nội dung xấu độc hãy bấm nút report (nút báo cáo vi phạm quy tắc cộng đồng theo luật của YouTube).
Không thể phủ nhận là ngày nay mạng xã hội đã mở ra một cánh cửa quan trọng giúp mọi người trong xã hội có cơ hội tiếp cận với thông tin, tri thức và trao đổi, tham khảo, giao lưu,… từ đó mang lại rất nhiều ích lợi cho cuộc sống. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần xây dựng một môi trường sống an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta./.
Theo thanhtravietnam.vn