Tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển bền vững
Việc kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi gian lận thương mại, hàng giả trên thương mại điện tử không chỉ góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng mà còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện cho thị trường thương mại điện tử phát triển bền vững.
Các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng thu hút hàng triệu người tiêu dùng. Ảnh: Báo Đầu tư
Thách thức mới trong kiểm soát hàng giả, hàng lậu
Song hành với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho một số đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lừa đảo chiếm đoạt tài sải, tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm cấm, có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia… Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Trong đời sống hiện đại, các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng thu hút hàng triệu người tiêu dùng với đa dạng mặt hàng từ thời trang, mỹ phẩm, đến đồ gia dụng. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của hình thức kinh doanh này cũng tạo ra những thách thức mới trong công tác quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng lậu…
Theo báo cáo từ Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, trong 8 tháng năm 2024, cơ quan này đã tiến hành tổng kiểm tra 3.688 vụ việc, xử lý thành công 3.572 vụ vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước hơn 68 tỷ đồng.
Vi phạm chủ yếu được ghi nhận liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thương mại điện tử, hành vi vi phạm trên các nền tảng này càng trở nên phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng môi trường trực tuyến để kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên nhấn mạnh, lực lượng chức năng đã và đang chủ động tiến hành kiểm tra theo các kế hoạch chuyên đề, định kỳ và đột xuất nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Các chiến dịch rà soát tập trung vào những điểm nóng về gian lận thương mại và buôn bán hàng giả, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử - một trong những lĩnh vực đang trở thành mối lo ngại lớn do tính chất khó kiểm soát.
Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử vẫn còn nhiều khó khăn. Các đối tượng vi phạm thường dùng nhiều thủ đoạn để lách luật, chẳng hạn như lập nhiều tài khoản trên các nền tảng khác nhau, sử dụng hình ảnh của sản phẩm chính hãng để quảng bá, nhưng bán hàng giả với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường.
Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng các phương pháp tinh vi như thay đổi tên thương hiệu khi đăng bán. Ví dụ, thay vì ghi tên thương hiệu nổi tiếng như "Dior" hay "Gucci", họ sẽ biến tấu thành "D.I.O.R" hay "Gu.ci" để tránh bị các sàn lọc kỹ thuật phát hiện…
Ngoài ra, nhiều người bán hàng không công khai địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách hàng chỉ có thể chốt đơn qua tin nhắn riêng (inbox), điều này gây khó khăn lớn trong việc theo dõi và kiểm soát. Các đối tượng thường xuyên chuyển địa điểm tập kết hàng hóa, sử dụng nhiều địa chỉ khác nhau để giao dịch, tạo ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử lý.
Đáng chú ý, vào dịp chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay, một số tổ chức, cá nhân đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh Trung thu ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.
Về phương thức, thủ đoạn, đại diện Quản lý thị trường cho biết, hàng hóa sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại điện tử, thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát…
Mở rộng kiểm tra, kiểm soát các kênh bán hàng online
Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, để đối phó với tình trạng này, đơn vị đã đề ra nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lộng hành của hàng giả, hàng lậu trên các sàn thương mại điện tử. Theo đó, thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiến hành điều tra, nắm bắt tình hình thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, và diễn biến thị trường. Điều này giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, Quản lý thị trường Hà Nội cũng tập trung giám sát các mặt hàng cấm, hàng lậu, và hàng giả mạo không rõ nguồn gốc. Các hành vi kinh doanh vi phạm thường diễn ra trực tuyến, do đó, công tác giám sát cũng mở rộng tới các hoạt động livestream và các kênh bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube.
Đặc biệt, để tăng cường hiệu quả, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan quản lý liên quan như Sở Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), cùng công an thành phố, quận, huyện để kiểm soát và xử lý vi phạm.
Song song với công tác kiểm tra, Cục còn đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại điện tử…
Các chuyên gia khuyến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần có chiến lược đầu tư kịp thời, đúng đắn vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp mạng internet. Bên cạnh đó, cần có chế tài, quy định chặt chẽ trong kinh doanh thương mại điện tử nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan như: Doanh nghiệp, đối tác, khách hàng...
Đồng thời, cần có quy định về trách nhiệm của người bán trong việc tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy cập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch. Để đáp ứng quy định này, các website bán hàng qua mạng cần tích hợp các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo khả năng truy cập, sao lưu chứng từ của người tiêu dùng...
Về phía doanh nghiệp phát triển, quản lý sàn thương mại điện tử, khi phát triển sản phẩm cần chú ý đến thiết kế luồng kinh doanh hợp lý, kiểm soát chặt chẽ truy xuất dữ liệu theo nguyên tắc "khách hàng truy cập thông tin với quyền hạn phù hợp định trước". Tiếp đó, kiểm soát chặt chẽ và áp dụng các kiểm tra an toàn thông tin ngay từ khi phát triển ứng dụng và sau khi đưa vào cung cấp. Cần định kỳ tiến hành rà soát và đánh giá lại mức độ an toàn của các hệ thống của mình.
Đặc biệt, để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử cũng cần tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu.
Có thể thấy rằng, bằng việc kết hợp kiểm tra với tuyên truyền, hy vọng sẽ giúp các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm hơn trong hoạt động kinh doanh, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường thương mại điện tử lành mạnh và minh bạch hơn.