Tập đoàn chip khổng lồ Synopsys của Mỹ mở rộng hoạt động tại Việt Nam

11:48, 29/08/2022

Trong bối cảnh cuộc đua ngành chip giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt, một doanh nghiệp về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) hàng đầu nước Mỹ đã lựa chọn mở rộng hoạt động tại Việt Nam và thận trọng hơn tại Trung Quốc.

Nhà sản xuất phần mềm chip Synopsys đang chuyển đầu tư và đào tạo kỹ sư sang Việt Nam trong bối cảnh Mỹ thêm lĩnh chip vào danh sách kiểm soát xuất khẩu nhắm vào nền kinh tế lớn nhất châu Á, Trung Quốc, qua đó đẩy mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thêm phần căng thẳng, theo Asia Nikkei.

Synopsys là một trong số ít các công ty Mỹ thống trị thị trường toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), hoặc phần mềm thiết kế chip. Ngày 26/8, công ty này thông báo sẽ đào tạo kỹ sư điện tại Việt Nam và hỗ trợ Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chip thông qua chương trình tài trợ phần mềm.

Ngành công nghiệp EDA hiện có quy mô nhỏ hơn ngành chế tạo chất bán dẫn, nhưng đang trở thành mặt trận quan trọng trong cuộc chiến chip vì chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng thúc đẩy một giải pháp thay thế để phá vỡ sự độc quyền của Mỹ.

Theo Nikkei, động thái mới nhất của Synopsys là một điều đáng hoan nghênh đối với Việt Nam. Các nhà sản xuất như Apple và Panasonic đang mở rộng quy mô tại nước ta, nhưng tăng trưởng trong ngành công nghiệp chip vẫn còn tương đối chậm cho đến khi Intel và Samsung bắt đầu thu hồi vốn đầu tư cách đây hai năm.

Thông qua mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể bắt đầu thiết kế các vi mạch tích hợp (IC), chẳng hạn như IC cho tủ lạnh và máy điều hòa không khí, và sau đó nâng cao chuỗi giá trị của toàn ngành, theo ông Robert Li, Phó chủ tịch phụ trách mảng bán hàng cho Synopsys tại Đài Loan và Nam Á cho biết. Ông Li cũng đã có buổi nói chuyện với Nikkei sau một cuộc họp báo tại Khu Công nghệ cao TP HCM, nơi Synopsys tiết lộ kế hoạch của mình.

Ông Robert Li, Phó chủ tịch phụ trách mảng bán hàng cho Synopsys tại Đài Loan và Nam Á chia sẻ tại Việt Nam. (Ảnh: Lien Hoang/Asia Nikkei).

"Việc tạo ra một con chip giống như một đứa trẻ. Chúng có thể phải mất 9 tháng. Nếu bạn muốn thiết kế một con chip mới, thời gian cần để thực hiện có thể lên tới ba năm", Ông Li nói với các phóng viên khi đứng đối diện với địa điểm lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất của Intel trên toàn cầu.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 12/8 đã công bố lệnh kiểm soát xuất khẩu đa phương nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận được các công cụ phần mềm trong đó có phần mềm EDA, một ngành mà Synopsys cho biết Mỹ chiếm 97% thị phần toàn cầu.

Cụ thể, tờ Reuters đưa tin rằng phía Mỹ đang cân nhắc hạn chế các lô hàng thiết bị sản xuất chip của quốc gia này cho các nhà sản xuất chip nhớ ở Trung Quốc, bao gồm Yangtze Memory Technologies Co Ltd (YMTC). Đây là một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự phát triển của lĩnh vực chip nhớ của Trung Quốc và bảo vệ các công ty nội địa của chính quyền Mỹ

Nếu được thông qua, quy định sẽ liên quan đến việc cấm vận chuyển thiết bị sản xuất chip của Mỹ đến các nhà máy sản xuất chip NAND tiên tiến ở Trung Quốc. Các chuyên gia về kiểm soát xuất khẩu cho rằng quy định này sẽ đánh dấu lần đầu Mỹ sử dụng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm vào sản xuất chip nhớ tại Trung Quốc mà không dính dáng đến các ứng dụng quân sự chuyên biệt.

Giám đốc Kinh doanh Adrian Ng Siong Teck cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia được Synopsys đánh dấu đầu tư trong cuộc họp công bố báo cáo tài chính quý II. “Mặc dù Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng, nhưng chúng tôi cũng phải cẩn thận một chút”, ông Ng Siong Teck nói.

Ông không cho biết gã khổng lồ phần mềm của Mỹ sẽ đầu tư thêm bao nhiêu vào Việt Nam, ngoại trừ tiết lộ rằng 30 giấy phép được tặng cho khu công nghệ ở TP HCM có trị giá 20 triệu USD. Synopsys có hai văn phòng tại TP HCM và hai tại Đà Nẵng với hơn 400 nhân viên. Công ty có kế hoạch tuyển dụng thêm khoảng 300 đến 400 người nữa.

Các kỹ sư chip ở Việt Nam đã thiết kế các chương trình máy tính back-end cho các công ty mẹ của Synopsys, như Renasas hoặc Ampere, và có thể xây dựng dựa trên kiến ​​thức chuyên môn đó, ông Teck cho biết.

Việt Nam đã nuôi dưỡng ước mơ có được chỗ đứng trong lĩnh vực bán dẫn trong hơn một thập kỷ, theo Asia Nikkei. “Bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu và bối cảnh kinh tế chính trị của Việt Nam hiện tại đang mở ra một cơ hội mới để chúng tôi thực hiện ước mơ”, Chủ tịch Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, ông Nguyễn Anh Thi cho biết.

Khi khu công nghiệp làm việc với các trường đại học và Synopsys để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân tài công nghệ toàn cầu, ông Li cho biết Việt Nam có thể tiếp thu kỹ năng từ người nước ngoài, sau đó phát triển sản phẩm cho thị trường nội địa gần 100 triệu dân hiện tại.

“Có rất nhiều công ty muốn đến Việt Nam để tìm kiếm nhân tài. Họ sẽ mang đến những dự án tiên tiến cho ngành thiết kế vi mạch. Một khi bạn tích lũy đủ kinh nghiệm, bạn sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo", ông Robert Li nhấn mạnh.

PV