Tàu điện Hà Nội - tiếng leng keng neo lại ký ức một thời

14:41, 09/04/2025

Giữa những ồn ào náo nhiệt của Hà Nội hôm nay, ít ai còn được biết tới âm thanh leng keng quen thuộc của những chuyến tàu điện một thời. Nhưng trong trái tim của biết bao người dân Thủ đô, đặc biệt là thế hệ sinh từ những năm 1960 trở về trước, tiếng tàu ấy vẫn ngân vang như một phần hồn phố thị - bình dị, thân thương và đầy luyến nhớ.

Một thời tàu điện đi vào lòng người

Không ít người vẫn còn nhớ, đầu thế kỷ XX, người Pháp đã đưa tàu điện vào Hà Nội như một bước tiến hiện đại trong đô thị hóa. Tuyến đầu tiên khai trương năm 1900, nối Bờ Hồ - nơi được chọn làm trung tâm hành chính - với Thụy Khuê. Từ đó, mạng lưới tàu điện nhanh chóng phát triển, lan rộng tới các chợ lớn, khu buôn bán sầm uất như chợ Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông...

Với người Pháp, đây là chiến lược kinh tế thông minh, còn với người dân bản địa, tàu điện dần trở thành một phần trong nhịp sống thường nhật.

Tàu điện Hà Nội - tiếng leng keng neo lại ký ức một thời

Hà Nội hiện nay có những tuyến tàu điện hiện đại, góp phần thúc đẩy giao thông công cộng Thủ đô phát triển. (Ảnh: Đinh Luyện)

Không chỉ là phương tiện đi lại, tàu điện còn là một không gian văn hóa đặc biệt. Trên những toa tàu cũ kỹ nhưng ấm áp tình người, có những gánh hàng rong, những lời rao vặt, tiếng đàn hát xẩm nỉ non, khiến hành trình trở nên gần gũi, đầy cảm xúc. Người đi tàu không chỉ để đến nơi cần đến, mà còn để nghe chuyện phố phường, để sống trong lòng thành phố bằng tất cả sự dung dị và chân thật nhất.

Ông Tống Kim Hải, 70 tuổi, trú tại tổ 10, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: Ngày trẻ ông thường qua nhà bạn thân ở phố Bạch Mai chơi. Những dịp nghỉ ở nhà bạn, ông thường chứng kiến những chuyến tàu điện đông đúc. Cứ mỗi sáng là tiếng leng keng lại đánh thức cả khu phố. Trên tàu, có người đọc sách, có người trông con, có bác bán bánh rán, có cụ già ngồi nhẩn nha kể chuyện phố xưa… tất thảy như một xã hội thu nhỏ trên chuyến tàu.

Chẳng thế mà, mỗi khi nghe bài “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, ông Hải không khỏi bồi hồi: “Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya/ Hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy…”. Ông Hải chia sẻ, chỉ cần nghe khúc nhạc đó, lòng ông lại se sắt. Những hình ảnh cũ ùa về, rõ mồn một. Tiếng tàu điện như đánh thức cả một thời tuổi trẻ.

Tàu điện Hà Nội từng tồn tại len lỏi trong lòng phố cổ, đi qua bao đổi thay. Nhưng rồi theo thời gian, khi xe máy, ô tô lên ngôi, khi đô thị hóa diễn ra chóng mặt, tàu điện dần bị loại bỏ khỏi guồng quay hiện đại. Những đường ray bị tháo dỡ, những tiếng chuông leng keng tắt dần trong nhịp sống hối hả.

Tàu điện Hà Nội - tiếng leng keng neo lại ký ức một thời

Những tuyến tàu điện của một thuở xưa cũ. (Ảnh tư liệu)

Ngày nay, Hà Nội đã có những tuyến metro hiện đại, xe buýt nhanh BRT, những công trình giao thông tầm cỡ. Nhưng sự hiện đại ấy, dù tiện nghi đến đâu, cũng không thể thay thế được nét duyên dáng, trầm mặc mà tàu điện xưa để lại trong ký ức người dân.

Trong một bài viết gửi tới Báo Lao động Thủ đô, Chuyên gia giao thông Lê Trung Hiếu - nguyên Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, chia sẻ: Điều đáng tiếc là chúng ta chưa có không gian đủ xứng đáng để lưu giữ ký ức về tàu điện. Những người trẻ hầu như không còn biết tiếng leng keng ấy từng vang vọng giữa lòng phố cổ ra sao.

Bởi vậy, Chuyên gia giao thông Lê Trung Hiếu cho rằng, Thành phố nên xây dựng một khu trưng bày hoặc phục dựng tuyến tàu điện cổ - không chỉ để tái hiện lịch sử, mà còn gìn giữ nét đặc trưng văn hóa đô thị mà Hà Nội từng có.

Mạng lưới tàu điện hiện đại, văn minh

Theo dự báo, dân số Hà Nội đến năm 2030 tăng lên khoảng 11,5 triệu người, ùn tắc giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, sẽ tiếp tục tạo ra các gánh nặng, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới, để giải quyết căn cơ vấn đề ùn tắc giao thông thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghiên cứu, áp dụng mô hình TOD (mô hình được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường - PV).

Như vậy, Hà Nội đã có góc nhìn khách quan và thấy được tầm quan trọng của những tuyến tàu điện mới. Thực tế, khi Hà Nội đưa vào vận hành tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông dài 13km và đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội dài 8,5km hoạt động, thì nhiều người dân đã trực tiếp được thụ hưởng những lợi ích mà tàu điện mang lại.

Tàu điện Hà Nội - tiếng leng keng neo lại ký ức một thời

Người dân hào hứng lưu giữ lại những khoảnh khắc bên tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội. (Ảnh: Đinh Luyện)

Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông là ví dụ. Tuyến này được đưa vào khai thác vận hành từ ngày 6/11/2021, qua khảo sát của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, 60% hành khách từ bỏ xe máy để đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Con số này phản ánh đúng với những lợi ích mà đường sắt đô thị đem lại, đó là an toàn, thuận tiện và quan trọng là đúng giờ.

Tương tự, ở đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, nhiều người dân cho biết, việc di chuyển bằng đường sắt đô thị vừa văn minh lại giúp “thoát” khỏi cảnh ùn tắc, bởi vậy, họ sẽ bỏ hẳn phương tiện cá nhân để sử dụng tàu điện. Một số người còn dẫn chứng, nếu sinh sống ở Nhổn thì chỉ cần bước lên tàu điện và 13 phút sau đã có mặt ở đầu phố Đê La Thành. Tuyến tàu điện có thời gian di chuyển nhanh gấp đôi xe máy, bởi vậy nếu làm việc ở phía tây Hà Nội thì không có lý do gì để không sử dụng.

Tôi còn nhớ mãi ở Hội thảo “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”, trên góc nhìn chuyên gia, TS Vũ Hồng Trường - nguyên Tổng Giám đốc Hanoi Metro chia sẻ, đường sắt đô thị là bộ phận cấu thành quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật, là tiền đề cho sự phát triển của giao thông đô thị. Và phát triển giao thông đô thị bền vững cũng chính là điều kiện để phát triển đô thị bền vững.

Theo ông Vũ Hồng Trường, vận tải hành khách công cộng có 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 là giai đoạn để phục vụ người không có phương tiện đi lại; giai đoạn 2 là cạnh tranh với phương tiện cá nhân, điều này đường sắt đô thị đã làm được; giai đoạn cuối cùng là giai đoạn người dân ưa thích.

Và, Hanoi Metro đang hướng đến mục tiêu đó. Điểm đáng trân quý ở chỗ, nếu sử dụng tàu điện để đi học, đi làm thì cũng đồng nghĩa với việc đóng góp vào hành động bảo vệ môi trường Thủ đô. Bởi, cứ 1.000.000 giờ di chuyển bằng đường sắt đô thị, thì sẽ tiết kiệm được 478.000 giờ, giảm 100 tấn khí thải và đem lại giá trị khoảng 30 tỷ đồng.

Tàu điện Hà Nội - tiếng leng keng neo lại ký ức một thời

Tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông được đánh giá là sự khởi đầu tốt đẹp cho giao thông công cộng khối lượng lớn hiện đại ở Hà Nội. (Ảnh: Đinh Luyện)

Tại Hà Nội, thời điểm hiện tại, nhịp đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Những công trình mới sẽ tiếp tục mọc lên, những tuyến tàu điện sẽ tiếp tục được nối dài giúp Thủ đô “cất cánh”. Thế nhưng, ký ức - đặc biệt là những ký ức mang tính biểu tượng - cần được lưu giữ, trân trọng như một phần căn cước đô thị.

Tàu điện Hà Nội không chỉ là phương tiện đi lại, đó còn là một phần ký ức tập thể của bao thế hệ. Là hơi thở Hà Nội một thời - êm ả, cổ kính mà vẫn đầy sức sống. Là hình ảnh của một đô thị biết gìn giữ bản sắc giữa lòng hiện đại hóa.

Tiếng tàu điện leng keng - như những tiếng vọng từ quá khứ - vẫn đang mải miết tìm nơi neo đậu. Và có lẽ, đã đến lúc, Hà Nội cần một “bảo tàng ký ức”, một “góc thời gian” để lưu giữ tiếng chuông ấy - không chỉ cho hôm nay, mà cho cả những thế hệ mai sau.