Thách thức và cơ hội cho các startup về an ninh mạng tại Đông Nam Á
Các cuộc tấn công mạng tại Đông Nam Á năm 2024 đã tăng gấp đôi so với năm 2023. Mặc dù các quốc gia trong khu vực đều được xếp hạng cao trong Chỉ số an ninh mạng toàn cầu (GCI) năm 2024, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đáng kể.
Hơn 50% người dùng khu vực báo cáo họ gặp phải một vụ lừa đảo ít nhất 1 lần/tuần. Hơn nữa, một bộ phận lớn dân số khu vực này chưa thể tiếp cận sự hỗ trợ thoả đáng khi họ có thể dễ bị tổn thương hơn nhiều do trình độ và nhận thức về kỹ thuật số.
Điều may mắn là ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp (startup) về an ninh mạng đang nỗ lực giải quyết vấn đề này. Các startup này có thể tạo ra các giải pháp bảo mật kỹ thuật số mới có thể cải thiện tình hình an ninh mạng tại Đông Nam Á.
Tình hình an ninh mạng
Đông Nam Á đang chuyển sang kỹ thuật số với tốc độ rất nhanh, với tỷ lệ thâm nhập Internet đạt tới 97% tại Malaysia. Tuy nhiên, quá trình số hóa nhanh chóng này cũng thu hút tội phạm mạng với tốc độ kỷ lục. Cả tổ chức và người tiêu dùng đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công như vậy. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có số lượng cuộc tấn công an ninh mạng cao nhất, chiếm 31% tổng số cuộc tấn công trên toàn thế giới vào năm 2023.
Tội phạm mạng tăng vọt 82% trong giai đoạn 2021 - 2022 tại khu vực Đông Nam Á, khai thác mạnh mảng tài chính. Loại tấn công phổ biến nhất là cố gắng truy cập vào dữ liệu cá nhân, sau đó tin tặc có thể sử dụng dữ liệu này cho nhiều loại tội phạm khác, chẳng hạn như gian lận hoặc lừa đảo.
Thách thức và cơ hội cho các startup về an ninh mạng tại Đông Nam Á
Trong bối cảnh đó, một nhóm các startup đang nổi lên đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ an ninh mạng. Các startup này đặt mục tiêu cung cấp các dịch vụ đẳng cấp thế giới với mức giá phải chăng nhờ vào quy mô kinh tế.
Startup đầu tiên có thể kể đến là watchTowr được thành lập vào năm 2021 bởi tin tặc đạo đức chuyển sang làm doanh nhân Benjamin Harris. watchTowr có trụ sở tại Singapore đang tái định hình cách các tổ chức tiếp cận an ninh mạng. Thay vì chờ đợi các lỗ hổng được phát hiện sau khi bị xâm phạm, watchTowr chủ động mô phỏng hành vi của kẻ tấn công theo thời gian thực, giúp các doanh nghiệp (DN) xác định và vá lỗ hổng trước khi những kẻ xấu tấn công.
Benjamin Harris, người sáng lập và CEO watchTowr.
Nền tảng của watchTowr, tận dụng Continuous Automated Red Teaming (CART), được thiết kế để luôn đi trước tội phạm mạng một bước, cung cấp hệ thống phòng thủ liên tục phát triển chống lại các mối đe dọa luôn thay đổi.
Vào tháng 10/2024, watchTowr đã kêu gọi được 19 triệu USD trong vòng đầu tư Series A, do Peak XV (trước đây là Sequoia Ấn Độ và Đông Nam Á) dẫn đầu, nâng tổng số tiền huy động được lên 29 triệu USD. Nguồn vốn mới đang thúc đẩy quá trình mở rộng của họ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương và giúp startup mở rộng năng lực kỹ thuật và nghiên cứu của mình.
Với lượng khách hàng ngày càng tăng bao gồm các công ty Fortune 500 và các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng, watchTowr đang nhanh chóng trở thành một nhân tố chủ chốt trong hệ sinh thái an ninh mạng của khu vực.
Tiếp theo là Right-Hand Cybersecurity, một startup khác của Singapore, chỉ mới thành lập được 6 tháng nhưng đã bắt đầu tạo ra tác động. Công ty được thành lập bởi Nasser và Uzair Ahmed, cả hai đều là chuyên gia an ninh mạng khi nhận thấy một khoảng cách đáng kể trong ngành, với các công ty đầu tư hàng triệu đô la vào các biện pháp phòng thủ an ninh mạng nhưng vẫn trở thành nạn nhân của hành vi trộm cắp dữ liệu.
Right-Hand Cybersecurity hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề này bằng cách tận dụng hành vi của nhân viên, có thể tác động đáng kể đến cách phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa.
Công ty thứ ba là V-Key, được thành lập vào năm 2011 bởi ba nhà đồng sáng lập có trụ sở tại Singapore. Công ty giúp thực hiện thanh toán số một cách an toàn. Khách hàng của công ty là các tổ chức tài chính, ứng dụng thanh toán di động và chính phủ, những bên phải đảm bảo rằng các giao dịch trực tuyến diễn ra mà không có vấn đề gì.
Công ty đã phát triển V-OS, một sản phẩm phần mềm độc quyền cho phép thanh toán dựa trên đám mây và xác minh danh tính kỹ thuật số.
Startup nữa là ArmourZero của Malaysia hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến trọn gói cho mọi giải pháp an ninh mạng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Công ty này kết hợp nhiều khía cạnh khác nhau của an ninh mạng thành một dịch vụ toàn diện duy nhất.
Công ty cũng đã áp dụng mô hình an ninh dưới dạng dịch vụ, có thể giúp các giải pháp như vậy trở nên hợp túi tiền hơn mà không cần đầu tư ban đầu lớn.
Một startup được thành lập tại Việt Nam vào năm 2017 là CyStack. Công ty, do hai nhà đồng sáng lập Trung Nguyễn và Trần Quang Chiến điều hành, đã phục vụ hơn 200 khách hàng DN và hơn 20.000 cá nhân.
Theo công ty, tên gọi CyStack là Cyber + Stack đã phản ánh tầm nhìn về việc cung cấp một bộ giải pháp an ninh mạng toàn diện, được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu riêng của từng cá nhân và DN.
Trong 8 năm qua, công ty đã xây dựng một bộ hơn 15 sản phẩm kết hợp để cung cấp các giải pháp an ninh mạng toàn diện cho cả mục đích sử dụng của DN và cá nhân. Các giải pháp sáng tạo của công ty bao gồm bảo mật sản phẩm, bảo mật dữ liệu và bảo mật hoạt động.
Kết luận
An ninh mạng vẫn là một lĩnh vực đang phát triển với tiềm năng đáng kể cho các startup tại Đông Nam Á. Do bản chất của công nghệ thông tin, các mối đe dọa an ninh liên tục thay đổi. Tin tặc và tội phạm mạng có thể tận dụng công nghệ mới nhất để tạo ra các mối đe dọa và phương pháp mới để đánh cắp thông tin.
Ví dụ, sự xuất hiện của AI có khả năng mở ra một nhánh hoàn toàn mới về an ninh mạng, cần thiết để chống lại một làn sóng đe dọa hoàn toàn mới. Deepfake đã được sử dụng để phát tán thông tin sai lệch và chúng ta cần có các biện pháp bảo vệ phù hợp để bảo vệ không gian trực tuyến và kỹ thuật số.
Một thách thức đáng kể khác đối với các công ty là thiếu nhân tài đủ tiêu chuẩn và có năng lực. Các công ty liên tục cạnh tranh để có được những nhân tài giỏi nhất, những người có thể giúp mở ra những cơ hội mới.
Nhìn chung, nhu cầu về các startup về an ninh mạng có khả năng sẽ tiếp tục tăng khi khu vực tiếp tục thúc đẩy số hóa. An ninh mạng tại Đông Nam Á mang đến những cơ hội đáng kể cho những người sáng lập mới muốn tạo dấu ấn. Làn sóng giải pháp an ninh kỹ thuật số tiếp theo sẽ cần phải có hiệu quả để chống lại làn sóng đe dọa ngày càng tinh vi./.