Thêm resort, khách sạn bị lừa đặt phòng

13:23, 28/07/2024

Trong đợt cao điểm du lịch hè năm nay, nhiều khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng… bị nhóm lừa đảo mạo danh nhân viên lập những trang web, fanpage giả mạo để lừa lấy tiền khách hàng.

Mùa cao điểm hè, công suất phòng của The Cliff & Residences đạt trung bình từ 80% trở lên. Nếu chỉ tính những ngày cuối tuần, tỷ lệ lấp đầy phòng luôn full. Ảnh: Huỳnh Long

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Trần Nam Thành, Giám đốc điều hành The Cliff & Residences (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết), cho biết trong đợt cao điểm du lịch hè 2024, khu resort đã phát hiện tối thiểu 15 trường hợp khách hàng booking không nằm trên hệ thống đặt phòng của khu nghỉ dưỡng.

“Những đối tượng lừa đảo này lập trang web, fanpage có hình thức gần giống với doanh nghiệp. Sau đó sử dụng nhân viên mạo danh để tư vấn, lừa lấy tiền khách hàng”, ông Thành nói và cho biết từ khoảng tháng 6, khi bước vào giai đoạn cao điểm du lịch hè, khu resort của ông phát hiện khi khách tới check-in nghỉ dưỡng hoặc gọi về lễ tân để xác nhận thời gian nhận phòng.

Theo ông Thành, những đối tượng lừa đảo này cũng giả mạo khu resort gửi giấy xác nhận đặt phòng qua hộp thư điện tử cho khách hàng. Ảnh: Huỳnh Long

“Rất nhiều khách hàng khi tới check-in phòng hoặc gọi điện để xác nhận mới phát hiện mình bị lừa”, ông Thành chia sẻ và cho biết thêm, mỗi booking khách bị lừa chuyển tiền dao động từ 2 – 4 triệu đồng, tính sơ thì những đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt khoảng 50 triệu đồng từ tiền đặt phòng của khách. “Đây chỉ là số tiền mà chúng tôi tạm tính dựa trên số lượng khách đặt phòng tới trực tiếp hoặc liên hệ khách sạn để check-in chứ thực tế chắc sẽ nhiều hơn”, ông Thành nói thêm.

Cũng theo Giám đốc điều hành The Cliff & Residences, để lừa được khách đặt phòng, những kẻ lừa đảo đã lập những trang web, fanpage giả mạo để tư vấn cho khách. “Giá phòng của các kênh giả mạo này thường rẻ hơn khoảng 50% so với giá thực tế các khách sạn niêm yết và thường cũng chỉ nhận đặt cọc 50% giá phòng hoặc một triệu đồng/booking nên rất nhiều người bị lừa”, ông Thành chia sẻ và cho biết, sau khi nhận tiền đặt cọc của khách, những đối tượng lừa đảo này cũng giả mạo khu resort gửi giấy xác nhận đặt phòng qua hộp thư điện tử cho khách hàng, sau đó chặn tương tác.

Theo các chuyên gia, nhóm lừa đảo thường lập trang fanpage giả mạo để chiếm tiền của khách đặt phòng. Ảnh: Huỳnh Long

Không chỉ có The Cliff & Residences ở Phan Thiết, đầu năm nay khu nghỉ dưỡng The Clay Mũi Né ở phường Hàm Tiến cũng ghi nhận có trên 80 du khách dính bẫy trang giả mạo khu nghỉ dưỡng này để lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Được biết, Công an Bình Thuận đã phát cảnh báo tình trạng này nhằm cảnh giác đến người dân, du khách. Đồng thời khuyến cáo du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin và nên lựa chọn dịch vụ đặt phòng của những công ty uy tín hoặc qua các app du lịch lớn. Chắc chắn hơn, khách hàng có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh.

Trao đổi thêm với phóng viên, đại diện phòng kinh doanh của The Cliff & Residences cho biết, nguyên nhân khiến khách hàng bị lừa là thường mua dịch vụ qua trang fanpage. “Những trang giả mạo thường chạy quảng cáo trên các nền tảng xã hội với giá phòng rất rẻ nên khách hàng dễ mắc bẫy”, vị này nói và cho biết để tránh bị lừa du khách nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.

Đại diện The Cliff & Residences cho biết, xác định mạng xã hội facebook cũng là một kênh bán hàng nên luôn đầu tư, kiểm soát và xây dựng hình ảnh. Trong ảnh là fanpage của khu nghỉ dưỡng cao cấp 4 sao ở Bình Thuận (có dấu tích xanh).

Tại The Cliff & Residences, theo đại diện phòng kinh doanh, trong hơn 3 tháng cao điểm du lịch hè năm nay (tính từ tháng 5 đến giữa tháng 8), tỷ lệ lấp đầy phòng trung bình của khu nghỉ dưỡng 4 sao này đạt trên 80%. Nếu chỉ tính cuối tuần (thứ 6, thứ 7), công suất phòng luôn trong tình trạng full (đầy).

Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân tăng cao, việc đặt phòng khách sạn, nghỉ dưỡng trực tuyến trở thành lựa chọn phổ biến, vì tiện lợi và nhanh chóng. Do đó, kẻ xấu đã lợi dụng việc này để lừa đảo người đi du lịch.

Trước đó, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã phản ánh tình trạng nhiều khách sạn ở Cửa Lò, Nghệ An cũng đã bị kẻ mạo danh để lừa theo hình thức tương tự lấy tiền khách hàng.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch tại Bình Thuận diễn ra sôi động, thu hút 4,6 triệu lượt khách, tăng 5,01% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế tăng 91,2%.

Rõ ràng, loại hình tội phạm này có các hình thức lừa đảo tinh vi, khó kiểm soát. Vì thế, như khuyến cáo của Công an Bình Thuận, khi phát hiện, người dân và các khu du lịch cần tố giác, cung cấp thông tin cho lực lượng công an gần nhất để xử lý kịp thời.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

https://kinhtemoitruong.vn/them-resort-khach-san-bi-lua-dat-phong-90863.html