Thị trường thông tin di động: Dịch vụ giá trị gia tăng lên ngôi
02:00, 25/02/2013
Dịch vụ giá trị gia tăng đã trở thành đòn bẩy tăng trưởng cho các nhà mạng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Đây là điểm sáng mạnh mẽ nhất của thị trường thông tin di động năm 2012 và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2013 này.
Dịch vụ 3G đã tăng trưởng tốt trong năm 2012 và được kỳ vọng tiếp tục bứt phá mạnh hơn nữa trong năm 2013.
Bước tăng trưởng mạnh mẽ
VinaPhone là nhà mạng có những công bố rõ ràng nhất về sự tăng trưởng của mảng dịch vụ phi thoại. Theo đó, năm 2012 doanh thu của mạng di động này đạt gần 25.000 tỉ đồng thì trong đó dịch vụ phi thoại đã chiếm 52% doanh thu. Nếu so với tỉ trọng doanh thu từ dịch vụ phi thoại của chính VinaPhone ba năm về trước, tỉ lệ trên đã tăng hơn gấp đôi.
Hiện VinaPhone có khoảng 80 dịch vụ giá trị gia tăng, MobiFone có khoảng 50 và Viettel có trên 50… Nhiều dịch vụ trong số đó chạy trên nền 3G. Theo Bộ TT&TT, dịch vụ 3G của VN vẫn tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, đạt 25% trong năm 2012. Riêng nhà mạng VinaPhone, mảng dịch vụ 3G đã đạt tăng trưởng đến 60% trong năm vừa qua. Trong khi đó, Viettel cho biết trên 50% doanh thu trong năm 2012 tới từ dịch vụ 3G.
Nền tảng công nghệ 3G tại VN được đầu tư khá mạnh chính là yếu tố giúp thúc đẩy nhanh các dịch vụ giá trị gia tăng của nhà mạng. Với tổng vốn đầu tư vào 3G tính tới nay đã đã trên 27.000 tỉ đồng, hiện sóng 3G đã phủ bình quân trên 90% dân số và lãnh thổ, tạo ra một nền tảng công nghệ rộng khắp sẵn sàng cho việc triển khai nhiều dịch vụ. Ông Lâm Hoàng Vinh-Phó Tổng giám đốc VNPT, Tổng giám đốc VinaPhone-cho rằng, các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền 3G còn nhiều cơ hội phát triển và tăng trưởng trong thời gian tới, trong đó VinaPhone đã sớm nâng cấp hệ thống 3G lên 3,5G với tốc độ download tối đa lên tới 21,6Mbps và upload 5,76Mbps để đáp ứng nhu cầu phát triển các dịch vụ chạy trên nền 3G trong tương lai.
Sự hỗ trợ từ giá cước và giá máy
Sau yếu tố hỗ trợ quan trọng là nền tảng công nghệ 3G được triển khai rộng khắp và nâng cấp trong hơn ba năm qua, thì hai yếu tố quan trọng không kém giúp cho xu thế sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng bùng bổ chính là giá các gói cước 3G và giá máy smartphone ngày càng giảm. Giá smartphone trên thị trường đã chạm ngưỡng 1,5 triệu đồng, giá máy tính bảng thương hiệu có trang bị công nghệ 3G cũng hạ xuống mức từ 4-5 triệu đồng, gói cước 3G rẻ nhất chỉ với 15.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, để có những chiếc smartphone có cấu hình tương đối để lướt web thì mức giá khoảng hai triệu đồng, trong khi đó gói cước 3G không giới hạn lưu lượng có mức phí 40.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên những con số trên chỉ là tương đối trong một thị trường thông tin di động và ĐTDĐ VN luôn nóng bỏng các cuộc cạnh tranh về giá và mức cước. Theo dự báo, năm 2013 sẽ có những cuộc đổ bộ của smartphone giá dưới 1,5 triệu đồng từ các thương hiệu Việt. Những gói cước 3G cũng sẽ tiếp tục có những hướng đi đa dạng và mềm mại hơn nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó tăng doanh thu cho nhà mạng.
Năm 2012 thị phần smartphone chiếm khoảng 20% tại thị trường VN. Hiện các giải pháp gọi điện và nhắn tin miễn phí trên internet (Over-the-top content, OTT) đang được cộng đồng người dùng smartphone tại VN sử dụng ngày càng phổ biến. Đây là một thách thức lớn cho các nhà mạng trong tương lai vì nó sẽ ăn mòn dần vào doanh thu của họ. Ứng phó trước xu thế công nghệ này, bên cạnh việc cần có cách quản lý hợp lý, thì theo ông Nguyễn Hoàng Hải-Trưởng phòng Kinh doanh thuộc Trung tâm Dịch vụ giá trị gia tăng của VinaPhone, nhà mạng này sẽ nghiên cứu đưa ra những gói cước tích hợp "sống chung với OTT", như vậy vừa tận dụng và khai thác được nền tảng công nghệ 3G của nhà mạng, người tiêu dùng có thêm những tiện ích, còn nhà mạng cũng có thêm doanh thu. Đây là hướng đi có thể nói là mới và hợp lý giúp cho các bên cùng có lợi.
Theo Báo Lao Động