‘Thiếu đạn’ cho các dự án chuyển đổi số

10:59, 25/09/2020

Mục tiêu chuyển đổi số đặt ra ở khắp nơi nhưng theo các chuyên gia, mức đầu tư cho công nghệ vẫn chưa tương xứng.

Tại hội thảo Bàn tròn lãnh đạo công nghệ diễn ra ngày 24/9, chuyên gia Nguyễn Đại Trí nói rằng một trong các câu chuyện bất cập khi triển khai các dự án công nghệ thông tin là chi phí.

"Chi phí cho nhân công, chuyên gia và cài đặt hệ thống quá bèo nên không đánh giá được đúng chất xám", ông nói. Nhiều đối tác chi phí thấp nhưng vẫn chấp nhận gắn bó vì họ cũng muốn giữ quan hệ, tuy nhiên theo ông mức chi này không thể hiện đúng chất xám của chuyên gia.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban viễn thông và công nghệ thông tin EVN đề xuất nên có các chính sách liên quan đến định mức đầu tư về công nghệ. Rất khó cho các doanh nghiệp nhà nước như EVN, đặc biệt là các Bộ, ngành khi lập dự án công nghệ dựa trên tính hiệu quả.

Đầu tư vào công nghệ mang yếu tố hỗ trợ là chính nên không trực tiếp sinh ra doanh thu đối với các doanh nghiệp không kinh doanh mảng này. Bởi vậy, theo ông, việc đánh giá dự án công nghệ khả năng thu hồi vốn, tính sinh lời là không hợp lý. Để đẩy mạnh chuyển đổi số đúng nghĩa, ông Tuấn kiến nghị ban hành chính sách liên quan đến định mức đầu tư cho công nghệ thông tin, quy định cụ thể dành ra mức chi phí tối thiểu (theo phần trăm) dành cho công nghệ.

Lãnh đạo các ngân hàng, doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: IEC Group.

Lãnh đạo các ngân hàng, doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: IEC Group.

Điều này cũng được ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank ủng hộ. "Khi nói đến chuyển đổi số, chúng ta nói đến thí điểm và trải nghiệm. Tất cả những đầu tư này vì vậy không chắc chắn mang lại hiệu quả", ông nói. Nhưng không có mạo hiểm thì không có sáng tạo. Vì vậy, ông cho rằng doanh nghiệp phải có một khoản đầu tư định mức cho nghiên cứu và phát triển.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo công nghệ cũng cho rằng nhiều chính sách liên quan tới dự án công nghệ vẫn còn thiếu thực tế và chậm sửa đổi.

Ông Nguyễn Đại Trí cho biết dù có các quy định mới được ban hành ủng hộ cho phát triển công nghệ thông tin như Nghị định 73, một số chính sách vẫn còn nhiêu khê và chậm sửa đổi. "Tôi khẳng định tầm quan trọng của các quy định, nhưng thực tế việc tuân thủ rất mệt mỏi. Công sức của chúng tôi dành cho nghiên cứu công nghiệp không còn được bao nhiêu mà phải tập trung vận hành làm sao cho đúng quy định", ông nói.

Bên cạnh đó, ông Lân – lãnh đạo trong giới ngân hàng với mục tiêu phát triển hệ sinh thái dịch vụ, cũng cho rằng hành lang pháp lý hiện nay về đầu tư, đặc biệt liên quan đến vốn nhà nước khiến ngân hàng hay doanh nghiệp nhà nước khó hợp tác với startup hoặc fintech.

Luật Đấu thầu quy định không cho phép hợp tác với các đối tác có lỗ tài chính trong 3 năm, tuy nhiên đơn vị startup nào cũng đều gánh lỗ. Vì thế, quy định này khiến luồng tiền quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước lớn không chảy được vào các fintech hoặc startup tiềm năng, cũng không kết nối được đầu ra cho họ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc trung tâm ngân hàng số của BIDV cũng chia sẻ một số vướng mắc khi hợp tác với fintech do chưa có hành lang pháp lý cụ thể. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có dự thảo về sandbox nhưng theo ông nội dung vẫn đang thiên nhiều quá vào công nghệ mà chưa quy định về phạm vi hoạt động.

Một câu chuyện quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số theo ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc công ty Công nghệ thông tin VNPT ( VNPT-IT) là việc định danh số khách hàng. Hiện nay, các dịch vụ xác thực như CA mới chỉ cung cấp cho doanh nghiệp, nên theo ông, cần cung cấp thêm dịch vụ xác thực cho khách hàng cá nhân.

Ông Ngô Diên Hy chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: IEC Group.

Ông Ngô Diên Hy chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: IEC Group.

Ông cho biết từng chứng kiến một đơn vị trung gian thanh toán có hàng trăm nghìn đại lý nhưng toàn bộ đều phải ký tay, nhiều doanh nghiệp cũng tương tự. Vì thế, việc cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện giao dịch hợp đồng điện tử sẽ là mô hình đột phá thời gian tới, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số.

Ông Hy cũng chia sẻ, xác thực định danh trực tuyến (eKYC) đã được ngành ngân hàng rục rịch áp dụng. "Đứng về góc độ công nghệ, eKYC không có rào cản nào. Thậm chí, eKYC an toàn hơn so với giao dịch trực tiếp vì nâng thêm tầm xác thực nhờ nhận diện khuôn mặt", ông nói.

Gần đây có nhiều vụ lừa đảo dựa trên việc sử dụng tài khoản giả (mua lại tài khoản của cá nhân có thực), vì thế việc áp dụng eKYC giúp xác thực khuôn mặt người thực hiện giao dịch sẽ an toàn hơn. Với tính tiện lợi và an toàn của eKYC, ông Hy cũng đề nghị mở rộng việc eKYC trong một số lĩnh vực khác, cụ thể như cấp dịch vụ xác thực số cho doanh nghiệp.

Theo/vnexpress.net