Chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao hiệu quả phục vụ

09:10, 23/09/2020

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, Hà Nội đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, mà trước hết các cơ quan nhà nước sẽ đi đầu, hướng tới phát triển chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Sẵn sàng hạ tầng, ứng dụng phục vụ

Từ năm học 2016-2017, bên cạnh hình thức tuyển sinh trực tiếp, phụ huynh học sinh ở Thủ đô đã có thể đăng ký tuyển sinh trực tuyến (dành cho học sinh đầu cấp), chấm dứt tình trạng xếp hàng nhận đơn xin học.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, tỷ lệ hồ sơ tuyển sinh nộp trực tuyến tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2016 mới đạt 55% thì năm 2019 đạt trên 85%, năm 2020 đạt 89%. “100% học sinh Hà Nội có mã số định danh duy nhất, được cập nhật đầy đủ hồ sơ, kết quả học tập, rèn luyện, hạnh kiểm bằng phần mềm. Việc cập nhật dữ liệu đã thành nền nếp, tạo thói quen làm việc trên môi trường công nghệ số”, ông Chử Xuân Dũng thông tin.

Còn trong lĩnh vực y tế, ứng dụng công nghệ thông tin cũng bước đầu đem lại lợi ích cho xã hội. Người dân có thể đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến tại các cơ sở y tế một cách thuận tiện. Cơ sở dữ liệu dân cư được khai thác để thiết lập hồ sơ sức khỏe toàn dân.

Đặc biệt, để phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đã phát triển Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, đồng thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về các lĩnh vực khác.

Giám đốc Trung tâm Tin học - Công báo (Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) Hoàng Văn Bằng cho biết, tính đến 17h ngày 20-9, có 4.302 kiến nghị của người dân được tiếp nhận và chuyển tới các đơn vị chức năng trả lời, giải quyết.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm, Hà Nội đã có sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng và các ứng dụng công nghệ thông tin. Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư; khai thác, triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp. Lần đầu tiên thành phố cũng triển khai thành công các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm một cửa điện tử dùng chung trên phạm vi 3 cấp chính quyền, với 1.671 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100%; hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

“Sự sẵn sàng về hạ tầng đã hỗ trợ cho việc chỉ đạo điều hành của chính quyền cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.

Các đơn vị viễn thông vẫn không ngừng nâng cấp, ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu phát triển chính quyền số.

Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 205-KH/TU (ngày 10-9-2020) về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI). Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố...

Trao đổi với PV báo Hà Nội mới, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, Sở đã xây dựng dự thảo Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, gồm cả thiết bị di động, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận đơn giản, thuận tiện; phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo để chuyển đổi số toàn diện trong chỉ đạo, điều hành. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về phát triển chính quyền số; thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu về công nghệ thông tin; tốp 5 về đổi mới sáng tạo...

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Liêm, giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội tập trung chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước. Cùng với đó, xây dựng Cổng dữ liệu thành phố Hà Nội (data.hanoi.gov.vn) nhằm cung cấp dữ liệu, nền tảng số, hỗ trợ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chuyển đổi số tại đơn vị.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của thành phố và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn phát triển.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên, bên cạnh vai trò tiên phong của chính quyền, rất cần sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp, người dân, để quá trình chuyển đổi số diễn ra toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Xác định chuyển đổi số dựa trên khoa học, công nghệ, tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là bước tiếp cận giúp thành phố Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.

PV (T/h)