Thổ Nhĩ Kỳ: Bạo loạn bùng phát sau vụ nổ mỏ than
Sau thảm họa nổ mỏ than ngày 13/5 ở thị trấn Soma làm chết gần 300 thợ mỏ, tình hình an ninh của đất nước này lại rơi vào tình trạng báo động.
- Vụ nổ mỏ than ở Thổ Nhĩ Kỳ: Đã có 238 người chết
- Thổ Nhĩ Kỳ: Nổ mỏ than, gần 200 thợ mỏ đã thiệt mạng
- Hồng Kông: 2 tàu hàng đâm nhau, 12 người mất tích
- Tàu hỏa trật đường ray tại Ấn Độ cả trăm người thương vong
- Tàu điện ngầm đâm nhau ở Seoul, hàng trăm người bị thương
- Vụ phà ở Hàn Quốc chìm: Bắt đầu tìm người sống sót bên trong
Bạo loạn dữ dội sau thảm họa nổ mỏ than
Ngày 16/5, cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hơi cay vào hàng ngàn người biểu tình tụ tập tại hiện trường thảm họa nổ hầm mỏ trước đó 3 ngày, làm 292 thợ mỏ bị chết. Đáp lại hơi cay và đạn cao su của cảnh sát công lực, những người biểu tình đã ném đá khiến hai cảnh sát bị thương. Cảnh sát cũng đã tiến hành một số vụ bắt giữ.
Cảnh sát dùng lựu đạn hơi cay để giải tán người biểu tình tại Ankara.
Trong ngày 15/5, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại trung tâm thị trấn Soma và nhanh chóng trở thành bạo loạn.
Theo lời kêu gọi, hàng trăm gia đình và bạn bè nạn nhân trong vụ nổ mỏ đã kéo đến tòa nhà, nơi Thủ tướng T.Erdogan có cuộc họp báo để chỉ trích ngành công nghiệp khai khoáng lơ là trách nhiệm. Cơn thịnh nộ của người dân ngày càng gia tăng sau khi một tờ báo địa phương đăng ảnh từ một đoạn băng hình, ghi lại cảnh một nhân vật thân cận với Thủ tướng hành hung một người biểu tình đã bị cảnh sát khống chế đang nằm dưới đất. Làn sóng giận dữ nhanh chóng lan rộng ra nhiều đường phố khác, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay và vòi rồng giải tán đám đông ước tính từ 3.000 đến 4.000 người tại Quảng trường Kizilay ở thủ đô Ankara và hàng nghìn người biểu tình khác ở thành phố Istanbul.
Liên hiệp Các nghiệp đoàn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ - tổ chức đại diện cho 240.000 nhân viên - cho rằng, những người muốn giảm chi phí lao động, gây ảnh hưởng tới mạng sống của công nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn lịch sử này.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 740 mỏ than và hơn 48.000 thợ mỏ. Tai nạn hầm mỏ ở nước này đã giết chết hơn 3.000 người và làm bị thương hơn 100.000 kể từ năm 1941. Gần 10% tai nạn lao động xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến khai thác mỏ.
Nội các Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào thế khó
Thảm họa hầm mỏ tồi tệ nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ tại mỏ than ở thị trấn Soma ngày 13/5 đã gây ra một làn sóng chống chính phủ và giận dữ trước cuộc bầu cử tổng thống tới đây, mà Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan được dự báo là có khả năng giành chiến thắng.
Sau những cáo buộc về tham nhũng liên quan đến gia đình và các đồng minh trong nhiều tháng qua, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lại phải chịu những áp lực mới từ vụ nổ mỏ than mới đây, làm 293 người thiệt mạng và hiện nay còn gần 100 người vẫn bị mắc kẹt dưới lòng đất.
Ông Erdogan đã phủ nhận bất kỳ lời kết tội nào nhắm đến chính phủ khi khi các nhà lập pháp đối lập tuyên bố rằng họ đã gióng lên mối quan ngại về tình trạng an toàn tại mỏ Soma trong Quốc hội vài tuần trước khi xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, những bình luận của ông, rằng tai nạn hầm mỏ thuộc về "bản chất của kinh doanh" đã làm dấy lên những lời buộc tội giận dữ về sự thờ ơ đối với thảm cảnh của các nạn nhân.
Hiện, cuộc cứu hộ quy mô lớn vẫn đang được tích cực triển khai nhằm đưa những người còn lại dưới mỏ than ra ngoài, nhưng theo nhiều nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, hỏa hoạn vẫn tiếp diễn bên trong hầm mỏ đã cản trở các nỗ lực cứu hộ. Do đó, cơ hội sống của các nạn nhân còn lại rất thấp. Mặc dù Thủ tướng Thổ Nhĩ T.Erdogan thừa nhận vụ nổ mỏ than là một trong những tai nạn lớn nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước này; đồng thời cam kết điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và có những hành động nhằm chia sẻ, động viên gia đình những người gặp nạn, song vẫn không thể xoa dịu cơn thịnh nộ của dư luận Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 10/8 tới và đây sẽ là lần đầu tiên cử tri, chứ không phải Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, bầu chọn người đứng đầu nhà nước. Mặc dù quyết định này vẫn chưa được công bố, song nhiều nguồn tin dự đoán Thủ tướng T.Erdogan sẽ tham gia ứng cử như một đối thủ nặng ký trong cuộc đua. Thế nhưng, những bê bối liên quan đến tham nhũng vừa qua, cùng với nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn từ năm 2003 tới nay, đang tác động tiêu cực đến sự nghiệp chính trị của Thủ tướng T.Erdogan nói riêng và đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền do ông lãnh đạo nói chung.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết định chôn tập thể các nạn nhân mỏ than
Các hố chôn tập thể của các nạn nhân trong vụ nổ mỏ than ngày 13/5.
Hôm 15/5, lễ chôn cất tập thể nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ mỏ than ở Soma, Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra trong sự đau đớn, tiếc thương vô vàn của người dân trong bối cảnh biểu tình phản đối chính phủ lan rộng nhiều thành phố.
Thanh Trà (tổng hợp)