Thói ghen tị

13:08, 04/01/2021

Lần tôi hân hoan báo tin một đồng nghiệp tương đối trẻ được phong hàm giáo sư, cô bạn sa sầm nét mặt: "thành tích như tay đó mà cũng thành giáo sư à?"

Tôi ngạc nhiên vô cùng vì nghĩ cô ấy sẽ chia sẻ niềm vui với tôi và anh kia. Hoá ra, trong đợt đề bạt vừa qua, cô đã không được đề bạt giáo sư.

Những thành bại trong sự nghiệp và thanh danh như thế rất dễ dẫn đến một thái độ độc hại như ghen tị. Trong giới nghiên cứu khoa học, tình trạng này khá phổ biến, nhưng nó thường diễn ra ngấm ngầm.

Giới học thuật có văn hoá "publish or perish" (tạm dịch "xuất bản hay là chết"). Bạn phải có công bố khoa học trên những tập san uy tín thì mới được biết đến và tồn tại. Để có tên trên các tập san, mức độ cạnh tranh rất ác liệt, vì tỷ lệ bị từ chối có khi lên đến 90%. Ghen tị trong khoa học thường thể hiện qua bình duyệt các công trình đó. Bởi không dám nói xấu công khai nên một số người lợi dụng sự nặc danh trong cơ chế bình duyệt để hạ thấp và trút giận lên đồng nghiệp. Họ nghĩ rằng với sự nặc danh, người bị chỉ trích không biết họ là ai. Nhưng, trong vai trò biên tập viên, tôi biết họ và tác giả là ai.

Tôi đã đọc được những lời bình luận về đồng nghiệp rất ư nặng nề và xúc phạm. Ví dụ: "Những kết quả này yếu ớt như cọng mì ướt", hay "Anh viết cho học trò đọc hay cho đồng nghiệp tham khảo?"...

Đề bạt các chức vụ, danh hiệu chuyên môn cũng là yếu tố dẫn đến ghen tị. Người ghen tị đối đầu với một "đối thủ" cùng nghề nhưng có tố chất, tri thức, khả năng chuyên môn tốt hơn mình. Và thường kẻ ghen tị chỉ nhắm đến đối tượng cùng giai tầng với mình. Người ăn xin ghen tị với ăn xin khác "thành công" hơn chứ không ghen tị với triệu phú hay tỷ phú.

Có lẽ trong chúng ta, ai cũng từng là nạn nhân của thói ghen tị, hay nhìn ra những người ghen tị chung quanh mình. Nếu may mắn, đôi khi ta còn nhận ra cảm giác ghen tị của chính mình. Nhưng ta vẫn xem đó là một khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống chứ ít ai nghĩ đến ghen tị như một vấn đề khoa học.

Có lần tôi đi nghe báo cáo nghiên cứu về ghen tị của một diễn giả thuộc Đại học Công nghệ Sydney. Báo cáo rất hay, nhiều ví dụ minh họa và có nhiều điều mở mang cho tôi.

Từ xa xưa, thói ghen tị, hay đố kỵ, được xem là một trong những cảm tính xã hội nguy hiểm nhất của con người. Lịch sử đã xảy ra bao nhiêu cuộc chiến tranh chỉ vì thói ghen tị giữa người với người. Phật giáo coi ghen ghét là một trong 16 "vết nhơ của tâm trí". Người đố kỵ sẽ không thể nào giác ngộ và lúc nào cũng tự làm khổ mình. Trong Công giáo, Thánh Thomas d'Aquino xem ghen tị là một trong những tội chết người của nhân loại.

Tôi không biết chữ "ghen tị" trong tiếng Việt xuất phát từ đâu, nhưng nó tương đương với từ "envy" trong tiếng Anh, bắt nguồn từ chữ Latin "invidia", tạm hiểu là "mù quáng". Ghen tị tạo cạnh tranh, bè phái, dẫn đến những phản ứng mang tính phòng vệ như mỉa mai, miệt thị, hợm hĩnh và ái kỷ. Những hình thức phản ứng này có mẫu số chung là dùng sự khinh miệt để tối thiểu hóa mối đe dọa từ người khác. Người có thói ghen tị hay nói về người khác với sắc thái thấp kém hơn để tự nâng cao tầm vóc của mình. Ta cũng thấy những biểu hiện này trên mạng xã hội.

Diễn giả trên là một nhà xã hội học với sở trường nghiên cứu về tiến hóa. Theo quan điểm của bà, ghen tị có nguồn gốc từ sinh học. Nó có thể giúp con người khẳng định mình trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm tài nguyên. Một nghiên cứu mới đây công bố trên tạp chí Science phát hiện ra vùng não được kích hoạt khi có suy nghĩ ghen tị chính là nơi kích hoạt nỗi đau thể xác. Cái đau của người ghen tị và cái đau thể xác xuất phát từ một chỗ.

Ngoài ghen tị giữa những người thường, còn một loại gọi là "ghen tị nghề nghiệp" giữa những người trong một chuyên ngành, lĩnh vực hẹp, thậm chí trong cùng nhóm, tổ chức, cơ quan. Loại ghen tị này có thể gây hại cho hiệu quả hoạt động của tập thể, làm gãy vỡ các mối liên hệ xã hội. Nó biến kẻ ghen tị không chỉ thành xấu xí mà còn nguy hiểm.

Ngành nghề nào có mức độ ghen tị nặng nề nhất? Triết gia người Ý Signor Ferriani được xem là một trong những chuyên gia có nhiều nghiên cứu về tâm lý nghề nghiệp cho rằng, các ngành nghề sau đây có mức độ ghen tị từ thấp đến cao: kiến trúc sư; tu sĩ; luật sư; sĩ quan trong quân đội; giáo sư về khoa học và văn học; nhà báo; nhà văn; bác sĩ; và ghen tị ở giới diễn viên là cao nhất.

Theo nhận định của các nhà văn hóa, người Việt cũng có thói ghen tị khá lớn, và thói này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực xã hội. Tiến sĩ Trần Phương, chuyên gia xã hội học, nhận định rằng thói đố kị của người Việt là do tính tò mò và so đo. Theo ông, người Việt hay để ý nhau nên mới biết nhà kia có gì hay, có gì hơn mình. Nếu thấy người ta mua được con xe đắt tiền thì cũng cố để mua được con xe đắt tiền hơn. Ngược lại, nếu mình không được như hàng xóm thì sinh ra ganh ghét, so bì, thậm chí còn tự an ủi bằng những suy nghĩ kiểu: "chắc nó lại được bố mẹ, anh em cho", "chắc gì tiền để làm những thứ ấy là trong sạch".

Đối diện với một người thành công và tài giỏi hơn, người ta thường có hai phản ứng trái ngược nhau: ngưỡng mộ và ghen tị. Ngưỡng mộ giúp cho ta phấn đấu để trở nên giỏi hơn, biết tri ân và cống hiến tốt hơn. Nhưng ghen tị thì ngược lại. Nó làm gãy vỡ các mối liên hệ xã hội, làm cho kẻ ghen tị trở nên ích kỷ trong suy nghĩ và việc làm, triệt tiêu năng suất của cá nhân và xã hội, tác động xấu đến chất lượng sống và làm việc của những ai liên quan.

Ghen tị về bản chất là một đặc tính nguy hiểm của con người, nên việc hiểu nó giúp ta cải thiện thái độ sống và nhân sinh quan. Thay vì tị hiềm với người khác, sẽ tốt hơn nếu ta biết khiếm khuyết để tự sửa mình.

Nguyễn Văn Tuấn (Giáo sư, Đại học New South Wales)

Theo https://vnexpress.net/tac-gia/nguyen-van-tuan-1306.html