Thông tin sai lệch về COVID-19 lan truyền bằng 25 thứ tiếng trên thế giới
Theo một nghiên cứu mới, những tin đồn, thuyết âm mưu, sự kỳ thị liên quan đến dịch COVID-19 đang được lan truyền bằng 25 thứ tiếng ở ít nhất 87 quốc gia.
CNN cho biết, sự lan truyền thông tin sai lệch này đã dẫn đến các trường hợp tử vong và bị thương. Đây là kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Hoa Kỳ ngày 10/8 về việc phân tích những tin đồn, sự kỳ thị và thuyết âm mưu liên quan đến dịch COVID-19 được đăng tải trên các nền tảng truyền thông xã hội, báo mạng và những trang web khác từ ngày 31/12/2019 - 5/4/2020.
Các nhà nghiên cứu từ nhiều tổ chức khác nhau ở Bangladesh, Australia, Thái Lan và Nhật Bản đã định nghĩa, "tin đồn" là bất kỳ thông tin nào chưa được xác minh, thông tin bịa đặt hoặc hoàn toàn sai lệch sau khi được xác minh. Sự "kỳ thị" liên quan đến phân biệt đối xử hoặc gây nhiễu và "thuyết âm mưu" được hiểu là niềm tin bị hủy hoại bởi một cá nhân hoặc một nhóm người bí mật tung tin để đạt được các mục đích phá hại.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được 2.311 bài báo liên quan đến thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 bằng 25 ngôn ngữ tại 87 quốc gia. Trong số này, 89% được phân loại là tin đồn; 7,8% là thuyết âm mưu và 3,5% là sự kỳ thị.
Thông tin sai lệch gồm tin đồn, thuyết âm mưu, sự kỳ thị liên quan đến dịch COVID-19.
Nghiên cứu đã đưa ra một số ví dụ: "Trứng gia cầm bị nhiễm virus SARS-CoV-2", "Uống thuốc tẩy có thể giết chết virus" là tin đồn; "Mọi căn bệnh đều đến từ Trung Quốc" là sự kỳ thị; và "Đó là một vũ khí sinh học được quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ để tiếp tục bán vaccine" là một thuyết âm mưu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, hầu hết các tin đồn, sự kỳ thị và thuyết âm mưu xuất phát từ Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Indonesia và Brazil.
Phân tích cho thấy, 24% trong tổng số các thông tin có liên quan đến dịch bệnh COVID-19, tử vong và lây truyền virus; 21% liên quan đến nỗ lực kiểm soát dịch bệnh; 19% đến từ việc điều trị hoặc "chữa khỏi"; 15% cho nguyên nhân của căn bệnh và nguồn gốc của virus; 1% bạo lực và 20% được cho là các vấn đề "lá cải" khác.
Các nhà nghiên cứu lưu ý trong nghiên cứu, những thông tin sai lệch này có thể dẫn đến các trường hợp thương tích và tử vong. Ví dụ, một thông tin được lan truyền cho biết, việc uống rượu có nồng độ cồn cao có thể khử trùng cơ thể và tiêu diệt virus SARS-CoV-2 đang lan truyền trên khắp thế giới. Khi thông tin sai lệch này được đưa ra, khoảng 800 người đã tử vong, trong khi 5.876 người phải nhập viện và 60 người bị mù hoàn toàn sau khi uống methanol như một phương pháp chữa bệnh COVID-19.
Thùy Chi (T/h)