Thủ đoạn lừa đảo mới: Giả mạo luật sư, cam kết lấy lại tiền

15:06, 12/12/2023

Tự gắn mác luật sư, những đối tượng lừa đảo này đã tung ra các thủ đoạn tinh vi để lừa các bị hại. Không chỉ lừa trên mạng bọn chúng còn lừa cả ngoài đời thực khiến nhiều nạn nhân điêu đứng.

Chiêu trò chủ yếu của các “luật sư dởm” là lập các page trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo tự nhận hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo. Không khó khăn để tìm được các trang mạng xã hội chuyên tư vấn luật, hỗ trợ pháp lý đòi lại tiền bị lừa đảo. Chỉ cần gõ từ khóa “tư vấn luật”, “hỗ trợ đòi lại tiền lừa đảo” có thể cho ra rất nhiều các trang cá nhân, Fanpage. Tuy nhiên chẳng ai có thể biết đây là “luật sư thật” hay “luật sư giả”

Bằng những hình ảnh, lời quảng cáo có cánh để lấy niềm tin từ nạn nhân, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng và số tiền bị lừa. Đặc biệt, nhóm này tung hô rằng chúng sở hữu hệ thống chuyên biệt, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả các nền tảng lừa đảo.

Kẻ gian sau đó sẽ làm giả một hình ảnh với thông tin bao gồm họ tên của nạn nhân, số tiền bị lừa và thông tin ngân hàng. Trên thực tế, đây đều là những thông tin mà kẻ gian đã hỏi được từ nạn nhân trước đó. Để lấy lại số tiền bị lừa, nạn nhân sẽ được yêu cầu chuyển khoản thêm 2-5 triệu đồng vào “hệ thống” với lý do “cần xác minh thông tin ngân hàng”. Nếu làm theo yêu cầu này, nạn nhân sẽ tiếp tục rơi vào bẫy của kẻ gian và bị chiếm đoạt tài sản.

Một luật sư đăng bài cảnh báo về việc bị kẻ xấu giả mạo mình để lừa đảo.

Mới đây Công an TP Đà Nẵng cũng nhận được đơn trình báo của Công ty luật TNHH ATG về việc bị mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Các đối tượng tạo tài khoản Facebook và sử dụng các hình ảnh, thông tin từ tài khoản Facebook chính chủ của Công ty luật TNHH ATG để mạo danh giám đốc công ty. Tiếp đó, chúng quảng cáo nhận tư vấn online các trường hợp “bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trên các sàn giao dịch điện tử, lấy lại tiền bị lừa trên mạng…”. Sử dụng nhiều tài khoản ảo khác tương tác, bình luận nhằm tạo lòng tin.

Khi có “khách hàng”, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tiền bị lừa và cách thức lừa đảo... Chúng tự nhận có mối quan hệ với bên an ninh mạng, cam kết có thể thu hồi số tiền trên. Và yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản hệ thống mà chúng chỉ định, với lý do tiền vốn để thu hồi tiền bị lừa đảo.

Luật sư Lưu Kiều Trang bị kẻ xấu cắt ghép ảnh rồi tung lên mạng với mục đích lừa đảo.

Trước tình trạng này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – đại diện Công ty luật TNHH ATG cho biết, từ khi hành nghề đến nay, đối với các trường hợp khách bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trên không gian mạng khi nhờ tư vấn, ông đều hướng dẫn họ làm đơn gửi đến cơ quan công an nơi cư trú để giải quyết theo đúng quy định chứ chưa một lần nào tư vấn hay thực hiện việc lấy lại tiền cho những người bị lừa đảo trên không gian mạng.

Luật sư Tuấn cho biết, có hai tài khoản Facebook đã sử dụng 23 hình ảnh của ông và công ty, tự nhận tư vấn online cho các trường hợp bị mất tiền, lấy lại tiền bị lừa đảo trên mạng… Các đối tượng này còn tạo ra các hội, nhóm chuyên tư vấn về pháp luật. Khi thấy có người bị lừa mất tiền qua mạng thì vào trò chuyện, giới thiệu luật sư có thể lấy lại được tiền…

Các đối tượng lừa đảo không chỉ lừa hỗ trợ đòi tiền bị lừa đảo trên mạng mà còn sử dụng danh nghĩa luật sư để tiếp nhận các vụ kiện, tư vấn luật cho người dân. Chị Lê Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị đang mắc một vụ tranh chấp về đất đai ở quê và đang cần tìm luật sư tư vấn, hỗ trợ. Chị có lên mạng thì thấy Fanpage có tên “Luật sư vì dân” chị liền nhắn tin kết nối. Sau khi nhận được tin nhắn, đối tượng này có xin số điện thoại của chị để tiện cho công việc. Ngay sau khi có số điện thoại, đối tượng đã nhanh chóng kết bạn zalo với chị Hằng và yêu cầu chị cung cấp một số thông tin cá nhân và nội dung vụ việc.

 

Anh B. đã may mắn thoát được cảnh bị “lừa kép” khi cảnh giác đọc những comment đăng trên trang lừa đảo.

Chị Hằng kể lại: “Họ nói chuyện rất chuyên nghiệp, hiểu biết về pháp luật như những luật sư thật. Họ còn nói tôi gửi cho họ đơn kêu cứu, ghi rõ nội dung ký tươi… sau đó sẽ gặp trực tiếp để trao đổi cụ thể. Tuy nhiên họ yêu cầu tôi gửi 5 triệu đồng tiền phí ban đầu, sau khi làm việc cụ thể sẽ tùy vào vụ việc thì thanh toán nốt phí. Tôi cũng không xác minh nhiều, cứ thế là chuyển khoản cho họ 5 triệu, sau đó liên lạc lại thì bị chặn hết”.

Nói về vấn nạn này, luật sư Lưu Kiều Trang, Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, bản thân chị cũng bị một số đối tượng trên mạng xã hội lập tài khoản giả mạo. “Chúng lập tài khoản giả mạo, tạo ra số lượt tương tác “ảo” rất lớn nhằm tạo niềm tin cho người khác. Thậm chí, có trường hợp còn sử dụng hình ảnh luật sư để cắt ghép, tạo thẻ luật sư giả rồi đăng tải lên mạng xã hội...”, Luật sư Kiều Trang nói.

Đại diện Công ty Luật Toàn Quốc cho biết:

Nếu bạn đã trót trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo khác thì bạn cần phải thận trọng trong mọi cuộc giao dịch để không tiếp tục bị lừa và bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây: Thứ nhất, phải có tâm lý vững vàng để tránh được cám dỗ trước những lời tư vấn, mời chào của những đối tượng lừa đảo; Thứ hai, phải xác định rằng với những đối tượng lừa đảo qua mạng thì chỉ có cơ quan công an mới có thẩm quyền điều tra và tìm ra được, Luật sư không có chức năng, quyền hạn để làm việc đó; Thứ ba, cũng cần phải xác định khi đã chuyển tiền cho các nhóm đối tượng lừa đảo theo các hình thức khác thì khả năng lấy lại được tiền là rất thấp nên không nên đặt quá nhiều hi vọng vào việc đó; Thứ tư, không dễ dàng chuyển tiền theo yêu cầu của bất cứ người nào khi chưa xác minh được thông tin chính thống của họ cho dù đó là khoản tiền lớn hay nhỏ; Thứ năm, cần kiểm tra thông tin của người xưng là Luật sư, Công ty luật đang tiếp cận mình trước khi làm theo yêu cầu của họ bằng cách nhờ người thân, bạn bè ở gần khu vực đó đến địa chỉ công ty và xác minh trực tiếp.

Theo Tạp chí Thương trường

(https://thuongtruong.com.vn/news/thu-doan-lua-dao-moi-gia-mao-luat-su-cam-ket-lay-lai-tien-113137.html)