Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu 'hộ chiếu vaccine', mở lại đường bay quốc tế

10:47, 18/03/2021

Trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương sáng 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine".

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Gói an sinh xã hội thứ hai đối với những doanh nghiệp khó khăn, những người dân bị thiệt hại vẫn tiếp tục đặt ra trong giai đoạn tới.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư trong thời gian tới để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với COVID-19.

“Chúng ta hiểu rằng một bộ phận người dân, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là vận tải, dịch vụ, du lịch rất khó khăn. Không phải chúng ta chỉ thấy thành tích mà còn thấy những tồn tại, bất cập trong xã hội, một bộ phận người dân đang thiếu việc làm. Chúng ta tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ bổ sung, đưa chính sách phù hợp, phục hồi những ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt là du lịch và hàng không”, Thủ tướng phát biểu. 

Thủ tướng cho biết, ông đã nhận được khuyến cáo của Hội đồng tư vấn du lịch, đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao nghiên cứu đề xuất của Hội đồng tư vấn du lịch và kinh nghiệm các nước để đề xuất rõ hơn với Chính phủ trong điều hành.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải chủ động xây dựng phương án chống dịch, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn với phương châm 4 tại chỗ. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phòng dịch, quán triệt phương châm “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp” và thực hiện cách ly tập trung ngay với tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), hạn chế mức thấp nhất tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế xã hội.

Đối với Bộ Y tế, khẩn trương tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân, xem xét tiếp cận nguồn vaccine khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn vaccine, tiếp tục nghiên cứu phát triển vaccine trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất vào năm 2022.

Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, nhất là tại các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu. Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp cố tình nhập cảnh trái phép, duy trì chấp hành nghiêm kỷ luật quy định khi thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn dân cư, chấp hành nghiêm khai báo lưu trú, tạm trú, nhất là khai báo y tế.

Cơ quan báo chí thông tin về tình hình dịch bệnh kịp thời, chính xác để cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.

Thủ tướng cũng đề nghị Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với tình hình dịch bệnh, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch trên tinh thần “lúc khó thì bình tĩnh, lúc tốt không mất cảnh giác”.

Theo thống kê, hơn 380 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới, tính đến ngày 15/3. Còn tại Việt Nam, hiện đã có hơn 20.000 người thực hiện tiêm vaccine.

Việc vaccine ngừa SARs-CoV-2 được tiêm trên diện rộng là cơ sở để nhiều quốc gia nhanh chân nhập cuộc đường đua mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế.

Việt Nam bao giờ triển khai hộ chiếu vaccine? - Ảnh 1.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình, chúng ta phải tận dụng tối đa lợi thế mà chương trình phòng chống dịch mang lại.

Theo ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch, Việt Nam nên thí điểm "hộ chiếu vaccine" càng sớm càng tốt.

"Chúng ta có thể thực hiện trong thời gian sớm nhất. Chúng ta có thể chuẩn bị ngay từ tháng 3, tháng 4. Thử nghiệm sớm như vậy mà có hiệu quả thì có thể mở cửa lại ngay từ tháng 7", ông Kiên cho biết.

Còn theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch cho biết nội địa chỉ chiếm 20% doanh thu toàn ngành du lịch. Nên không thể chỉ phát triển thuần tuý nội địa mà nâng đỡ cả ngành du lịch. Chúng ta phải tận dụng tối đa lợi thế mà chương trình phòng chống dịch mang lại. Đây là cuộc cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách quốc tế. 

Bất kỳ sự mở cửa du lịch nào cũng cần đảm bảo an toàn và có lộ trình. Chọn địa điểm nào để thí điểm "hộ chiếu vaccine" cũng là điều rất quan trọng. Theo các chuyên gia, mùa hè thường là mùa cao điểm du lịch trong nước, thế nên, việc chọn mở cửa đón khách quốc tế có thể tránh các điểm đông du khách nội địa.

"Chúng ta không muốn mở cửa Phú Quốc, không muốn mở cửa Nha Trang ngay lập tức. Các vùng đấy mùa hè rất đông khách Việt Nam. Nếu có dịch, như đợt dịch năm ngoái tại Đà Nẵng thì tổn thất rất lớn. Nên chúng ta nên chọn các điểm có sân bay có thể nhanh chóng chuyển thành sân bay quốc tế và có cảm điểm tham quan nổi tiếng…", ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch phân tích.

Song song với đề xuất nhanh chóng triển khai "hộ chiếu vaccine", trong kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, Hội đồng tư vấn Du lịch cũng đề xuất có chính sách bảo hiểm y tế bắt buộc, bao gồm bảo hiểm COVID-19 cho tất cả khách quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Thanh Tùng (T/h)