Thúc đẩy chuyển đổi số

10:09, 10/12/2021

Hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành xu thế chung của cả thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển mỗi quốc gia. Những cụm từ như “phát triển số”, “Quốc gia số”, “Chính phủ số”, “kinh tế số và xã hội số” đã trở thành những “từ khóa” quan trọng, thường xuyên được nhắc tới trong các văn bản chiến lược, kế hoạch hành động ở cấp cao nhất của nhiều nước trên thế giới.

Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Hà Nội (chụp trước ngày 27/4/2021). (Ảnh minh họa: Duy Linh)

Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam cũng kịp bắt nhịp với những nước phát triển nhất trong việc ban hành các văn bản về chủ trương, chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Nhờ vậy, trên bảng xếp hạng “Sự trỗi dậy số” gồm 137 quốc gia do Trung tâm Cạnh tranh số châu Âu thực hiện, Việt Nam được xếp đứng đầu nhóm các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương cho đánh giá trong ba năm từ 2018 đến 2020.

Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực, kìm hãm mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội đất nước. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đây lại là cú huých mạnh mẽ cho chuyển đổi số ở Việt Nam. Để thích nghi với sự cản trở của dịch bệnh, tất cả các hoạt động từ làm việc, học tập đến mua sắm, sinh hoạt đã được chuyển đổi số một cách nhanh chóng với phạm vi hàng chục, hàng trăm triệu người dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chúng ta vẫn chưa thật sự tận dụng tốt được cơ hội từ Covid-19 để thúc đẩy mạnh hơn chuyển đổi số. Nguyên nhân là do cách tiếp cận, cách làm còn rời rạc, khiến nảy sinh nhiều vấn đề như sự thiếu liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương; công nghệ thì nơi dùng nơi không, lúc dùng lúc không; dữ liệu cũng không được cập nhật, thiếu chính xác, còn lộ lọt thông tin hoặc sử dụng phức tạp;… Đáng mừng là nhiều vấn đề đã được nhận rõ và dần khắc phục, nhiều bài học đã được rút ra và sẽ là hành trang quan trọng để chúng ta bước tiếp vào giai đoạn chuyển đổi số sắp tới.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Vì vậy, theo các chuyên gia, Chính phủ cần đi đầu và dẫn dắt chuyển đổi số, trong đó có việc tạo ra hệ thống thể chế số. Đối với các mô hình mới chưa có quy định, nên cho phép thử nghiệm có kiểm soát.

Để đẩy nhanh quá trình này, Chính phủ cần ban hành một khung thể chế về cách làm thí điểm, tiên phong về chuyển đổi số trong hoạt động của mình. Chính phủ đi đầu về chi tiêu cho chuyển đổi số sẽ tạo ra thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số. Đó sẽ là những cú huých quan trọng cho chuyển đổi số thành công tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, xã hội số Việt Nam với khoảng 100 triệu dân chính là thị trường để cho kinh tế số, doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Chỉ khi người dân có niềm tin và chủ động tiêu dùng các sản phẩm số thì mới phát triển được kinh tế số. Bởi vậy, vai trò của truyền thông về thúc đẩy chuyển đổi số lúc này mang tính quyết định. Chính phủ cần có một chiến lược để tạo ra nhiều dữ liệu cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác dữ liệu này để tạo ra giá trị.

Cuối cùng, yếu tố cốt lõi của chuyển đổi là sáng tạo, mà phải là sự sáng tạo của toàn dân. Do đó, cần công bố cụ thể các bài toán chuyển đổi số từ tầm quốc gia, đến các bộ, ngành, địa phương cũng như bài toán chuyển đổi số của từng doanh nghiệp để mỗi người dân đều có thể được tham gia, thỏa sức phát huy sức sáng tạo, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số của đất nước.

Theo/nhandan.vn