Thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính
Sáng nay (17/11), Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn IEC đồng tổ chức Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022 (VDF-2022) với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính".
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng.
Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Đại Trí đưa ra tại Hội thảo về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022 do Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính), Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn IEC đồng tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành tài chính”.
Toàn cảnh hội thảo.
Cục trưởng Nguyễn Đại Trí cho biết, mục tiêu của Bộ Tài chính trong giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số đảm bảo tính hiệu quả, an toàn thông tin toàn diện.
Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; Hải quan thông minh; Kho bạc số 3 “không” (không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ); Chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán.
“Tôi mong rằng Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022 sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, giữa lãnh đạo cao cấp trong ngành tài chính với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại ngành tài chính trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0” - Cục trưởng Nguyễn Đại Trí bày tỏ.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá, thời gian qua, toàn ngành tài chính đã tích cực triển khai nhiệm vụ, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
“Bộ Tài chính cũng là một trong những bộ ngành đầu tiên ban hành các văn bản định hướng nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số. Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu trong số các bộ, ngành; lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với những kết quả ấn tượng” - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì các thành tích đạt được và thực hiện những mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp tập trung trao đổi, thảo luận về chủ đề “Cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước”, và “Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, hải quan lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.
Các đại biểu tham quan gian hàng bên lề Hội thảo.
Trên cơ sở các thông tin được thảo luận tại hai chuyên đề của Hội thảo, Bộ Tài chính đã đặt ra các mục tiêu quan trọng trong thời gian tới để công cuộc chuyển đổi số của ngành tài chính tiếp tục phát triển.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi tư duy, nhận thức, phải tạo được niềm tin số. Từ đó, gắn chuyển đổi số với xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu chủ động nghiên cứu, áp dụng những thành quả công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin lớn, cốt lõi của ngành. Song song đó, cần chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin toàn ngành tài chính; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, đẩy nhanh hoàn thiện tiêu chuẩn kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, nhất là cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cho phép kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và các bên liên quan.
PV