Thúc đẩy hợp tác toàn diện về KH,CN&ĐMST với nhiều tổ chức khoa học hàng đầu tại Nga
Hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) là một trong những trụ cột quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
- Hội thảo khoa học “An toàn thông tin mạng và ứng dụng AI trong phát triển thành phố Hà Nội thông minh”
- Xu hướng phát triển khoa học - công nghệ mật mã và thách thức đối với quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới (phần 2)
- Techfest Đắk Lắk 2024: Mở rộng cửa cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
Nhằm củng cố và phát triển sâu sắc hơn mối quan hệ này, từ ngày 23-28/9/2024, Đoàn công tác của Bộ KH&CN Việt Nam, do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu, đã có chuyến thăm và làm việc với nhiều tổ chức khoa học hàng đầu tại Nga, bao gồm Tập đoàn Vũ trụ Quốc gia Nga (ROSCOSMOS), Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moskva Bauman và Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia MEPhI.
Hợp tác không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình
Ngày 25/9/2024, Đoàn đã có buổi làm việc với ROSCOSMOS, nhằm thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã chia sẻ với Tổng Giám đốc ROSCOSMOS Yury Borisov về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ vũ trụ tại Việt Nam, với mục tiêu ứng dụng thành tựu KH&CN vũ trụ vào nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng và quản lý tài nguyên. Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vũ trụ đến năm 2030, khẳng định quyết tâm ứng dụng KH&CN vào các mục tiêu phát triển đất nước.
Đoàn công tác Bộ KH&CN làm việc với Tập đoàn ROSCOSMOS.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất các phương hướng và kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện Hiệp định hợp tác về nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình đã ký kết từ năm 2012. Nội dung hợp tác bao gồm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về quan sát Trái đất và tổ chức các hội thảo, diễn đàn khoa học công nghệ chung.
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Nga
Trong cuộc gặp với Viện Hàn lâm Khoa học Nga do Viện sĩ Vladislav Yakovlevich Panchenko, Chủ tịch Viện, tiếp đón, hai bên đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đặc biệt, hai bên đã nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực nghiên cứu Khoa học biển, tạo điều kiện chia sẻ tri thức và kết quả nghiên cứu giữa các tổ chức khoa học của Việt Nam và Nga.
Đoàn công tác Bộ KH&CN làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Hợp tác giáo dục và đào tạo công nghệ tiên tiến
Tại buổi làm việc với Đại học Bauman, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ mong muốn Đại học Bauman- trường đại học kỹ thuật hàng đầu nước Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo đội ngũ sinh viên và nghiên cứu sinh chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, và công nghệ tự động hóa. Bộ trưởng cũng hi vọng thúc đẩy hợp tác giữa Đại học Bauman và các trường đại học hàng đầu của Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt làm việc với ông Gordin Mikhail Valerievich, Hiệu trưởng Trường đại học Bauman.
Đạo tạo nhân lực năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình
Dựa trên nền tảng hợp tác sẵn có trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn Đại học MEPhI tiếp tục hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, sinh viên, nghiên cứu sinh và chuyên gia Việt Nam trong học tập và nghiên cứu. Các nội dung hợp tác bao gồm xây dựng chương trình giáo dục chung, trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh và chuyên gia; phối hợp với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đào tạo lại cán bộ đã tốt nghiệp MEPhI và tổ chức thực tập tại Nga. Hai bên cũng sẽ thực hiện các đề tài nghiên cứu chung, trao đổi kết quả nghiên cứu, và tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề. Hiệu trưởng Vladimir Shevchenko cam kết tiếp tục phát triển hợp tác trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh.
Đoàn công tác Bộ KH&CN làm việc tại Đại học MEPhI.
Chính phủ Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của KH,CN&ĐMST đối với định hướng phát triển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt được kỳ vọng này, đưa KH,CN&ĐMST trở thành trụ cột của phát triển kinh tế, Việt Nam cần sự hợp tác chặt chẽ về KH,CN&ĐMST với các nước trên thế giới, đặc biệt là với Liên bang Nga - nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. |