Thuốc lá điện tử - Mối nguy hại mới cho giới trẻ

11:00, 20/05/2024

Theo Tổ chức Y tế thế giới, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện. Theo các chuyên gia, việc cấm thuốc lá điện tử là việc cấp thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nếu cho thí điểm, có thể để lại hệ lụy khôn lường...

Bộ Y tế đề xuất cấm - Bộ Công Thương đề nghị thí điểm

Thuốc lá nung nóng (HTPs): là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc (hoặc viên nén thuốc lá) đến nhiệt độ đủ để tạo ra “sol khí” (khói) có thể hít vào, có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có nhiều hương vị.

Đặc biệt, hiện nay các sản phẩm thuốc lá nung nóng rất đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm kết hợp (lai) giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử, pha trộn, tẩm ướp dung dịch điện tử khiến cho việc kiểm tra và nhận biết khó khăn như sản phẩm thuốc lá mới sử dụng công nghệ hybrid, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá.

Tại phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ quan điểm nhất quán đề xuất cấm thuốc lá điện tử, nung nóng và các loại thuốc lá thế hệ mới khác.

Trong khi đó, nhiều đại biểu đặt vấn đề, trong khi Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử, nung nóng nhưng Bộ Công thương lại đề nghị thí điểm quản lý thuốc lá mới. Vì vậy, các đại biểu đã đề nghị Bộ Công thương làm rõ lý do gì, căn cứ vào đâu đề xuất việc này. Trước khi đề xuất, Bộ Công thương đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đề xuất này mang lại hay chưa?

Thậm chí, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ: "Tôi cảm thấy kỳ lạ, tại sao lại thí điểm với chất gây nghiện, loại giết người mà thí điểm. Không thí điểm gì cả".

Theo ông Trí, thuốc lá điện tử tràn lan trên thế giới và ở Việt Nam, rất có hại, hại toàn diện và rõ ràng.

Giải trình nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nói bộ được giao nhiệm vụ nghiên cứu quy định để quản lý sản phẩm thuốc lá điện tử. Bà Thắng khẳng định, nếu thực hiện như hiện nay, không quản lý, cấm thì chế tài chưa rõ. Cũng theo bà Thắng, hiện nay chưa có văn bản nào cho nhập khẩu thuốc lá điện tử, mà chỉ cho nhập thuốc lá điếu và cigar.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Phiên họp.

Nỗi lo chất cấm ẩn dật

Mới đây, một bài báo của Đại học Y Harvard cho biết, dù ở dạng thuốc lá hay thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nicotine đều có tính gây nghiện cao. Và lượng nicotine trong nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử cao hơn nhiều so với thuốc lá thông thường. Các tác dụng phụ của nó bao gồm giảm cảm giác thèm ăn, tăng nhịp tim và huyết áp, buồn nôn và tiêu chảy. Hơi từ thuốc lá điện tử có thể chứa chất độc, kim loại và chất kích thích phổi gây ung thư.

Hút thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi, chẳng hạn như khí thũng, hen suyễn, viêm phế quản mãn tính và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nó cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim. Ngay cả việc tiếp xúc gián tiếp với hơi thuốc lá điện tử cũng có thể gây ra bệnh hen suyễn.

Vào năm 2019, các bác sĩ bắt đầu khám phá những người gần đây đã hút thuốc lá điện tử và bị khó thở, ho, sốt và tổn thương phổi nghiêm trọng. Hơn 2.800 trường hợp tổn thương phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử hoặc sản phẩm vaping và 68 trường hợp tử vong đã được báo cáo...

Điều đáng nói là, hiện số thuốc lá điện tử - thuốc lá nung nóng có đến 90% lưu hành ở Việt Nam là nhập lậu. Chúng ta đã biết tác hại do các độc chất có trong thuốc lá điện tử. Nhưng tai hại hơn, chúng ta không biết những kẻ xấu có bỏ những chất ma túy vào điếu thuốc hay không?

Thuốc lá mới là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ, khiến trẻ em bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài.

Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin.

Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2-3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử

Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới là người trưởng thành hút thuốc lá rất thấp so với nam giới. Tuy nhiên với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới trẻ hút thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Kèm theo đó sẽ là các hệ lụy về chất lượng giống nòi do việc người trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá.

Thuốc lá điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ.

Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác của con người, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về chăm sóc sức khỏe, chi phí y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà ảnh hưởng đến giống nòi và phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác.

Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các hình thức thuốc lá mới sẽ nhanh chóng tạo ra “sự đã rồi”, hoặc “vấn đề lịch sử”, sẽ không thể giải quyết do đó sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Siết chặt kiểm soát và ngăn chặn kịp thời hệ lụy

Theo đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), thuốc lá truyền thống hiện chưa bị cấm nhưng đã được điều chỉnh và quản lý theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Đồng thời, những giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu vẫn đang được các Bộ, ngành, các tỉnh/TP và các tổ chức nỗ lực triển khai trên toàn quốc.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì trong thời gian tới chắc chắn sẽ rất khó kiểm soát tác hại của các sản phẩm này gây ra, mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá chắc chắn sẽ không đạt được và người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường về sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường.

Được biết, thời gian qua Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều nghiên cứu, đánh giá về thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng kết quả cho thấy tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng nhanh trong thời gian qua.

Cụ thể, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS): tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3% năm 2023.

Một trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa ma túy, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đây là các số liệu Bộ Y tế có được từ các cuộc điều tra, khảo sát khá lớn mang tính đại diện và với sự phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đã phê chuẩn Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 11/11/2004. Công ước đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005.

Tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 4 Công ước khung quy định sự cần thiết tiến hành các biện pháp để bảo vệ tất cả mọi người khỏi việc phơi nhiễm đối với khói thuốc lá; sự cần thiết tiến hành các biện pháp để ngăn ngừa sự bắt đầu sử dụng thuốc lá, khuyến khích và ủng hộ việc cai nghiện và giảm việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức.

Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung cấp sản phẩm thuốc lá và giảm cầu nhu cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, mà Việt Nam chúng ta là một thành viên của Công ước. Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới này cũng đi ngược lại với mục tiêu giảm cung cấp và giảm sử dụng các sản phẩm thuốc lá quy định tại Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

"Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trở lại, gây khó khăn cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và nỗ lực của công tác cai nghiện thuốc lá. Chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, môi trường, kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển bền vững đất nước", đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá một lần nữa nhấn mạnh quan điểm.

Theo Tạp chí Thương trường

https://thuongtruong.com.vn/news/thuoc-la-dien-tu-moi-nguy-hai-moi-cho-gioi-tre-121444.html