Thương mại điện tử Việt có nguy cơ bị nước ngoài chiếm lĩnh

14:30, 12/08/2024

Sự gia nhập của các sàn thương mại điện tử cùng các nhà bán hàng nước ngoài đã và đang đặt ra sức ép lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ thị phần và duy trì sức cạnh tranh trên chính cuộc đua tại sân nhà…

Sân chơi thương mại điện tử Việt Nam thu hút nhiều tổ chức, đơn vị nước ngoài.

Thương mại điện tử được Chính phủ xác định là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng quy mô kinh tế số quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị chi phối không nhỏ từ các sàn thương mại và nhà cung cấp nước ngoài.

THƯƠNG HIỆU VIỆT LUÔN VẮNG BÓNG TRÊN CÁC BẢNG XẾP HẠNG DOANH THU

Ghi nhận trong báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 do Metric thực hiện, 10 thương hiệu có doanh số cao nhất chủ yếu là các thương hiệu đến từ các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi một đại diện nội địa duy nhất xuất hiện là Vinamilk với doanh thu 256,9 tỷ đồng.

Thậm chí, trước đó, trong bảng xếp hạng 10 thương hiệu có doanh thu cao nhất trong cả năm 2023 không ghi nhận bất kỳ một thương hiệu nào đến từ Việt Nam.

Thực trạng này cũng tương đối dễ hiểu vì điện thoại và máy tính bảng luôn thuộc nhóm ngành có doanh thu cao nhất trong thương mại điện tử Việt Nam, song đối với Việt Nam, ngành này vốn không phải thế mạnh mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Bởi vậy, chưa tính đến sức cạnh tranh với các thương hiệu lớn hàng đầu thế giới như Samsung hay iPhone, số lượng các công ty trong ngành điện thoại và máy tính bảng tại Việt Nam vô cùng khiêm tốn.

Bên cạnh đó, hàng loạt các nhà bán hàng láng giềng như Trung Quốc hay Indonesia cũng đang ồ ạt đặt chân vào thị trường Việt Nam với các danh mục hàng hoá phổ biển (thời trang, nhà cửa,...) nhưng với lợi thế cạnh tranh về giá cả, mẫu mã và vận chuyển. Điều này cho thấy các nhà bán hàng Việt đang đối mặt với vô vàn thách thức khi không chỉ cạnh tranh với các đối thủ trong nước mà còn đối mặt với các nhà bán hàng nước ngoài được đầu tư bài bản.

Sát biên giới Việt Nam, hoạt động của các kho bãi Trung Quốc chứa hàng hoá để xuất khẩu sang Việt Nam thông qua hình thức bán hàng trên các sàn thương mại điện tử hiện vô cùng sôi động. Thậm chí, nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, các nhà bán hàng Trung Quốc đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng thêm kho vận sát biên giới Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi hiện tại, theo phản hồi của nhiều người dùng, cước phí vận chuyển hay thời gian giao hàng của các đơn hàng quốc tế đôi khi còn rẻ và nhanh hơn so với đặt hàng nội địa. Điều này cho thấy các nhà bán hàng Việt còn chậm chân, chưa tận dụng hết lợi thế bản địa trong cuộc đua này.

Thời gian giao hàng vẫn còn là điểm yếu của các nhà bán lẻ Việt Nam.

Theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với bưu chính viễn thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, đặt mục tiêu đến năm 2025, thời gian giao hàng liên tỉnh và quốc tế tối đa 5 ngày, thời gian giao hàng nội vùng tối đa 2 ngày.

Trước đó, theo số liệu thống kê của một số doanh nghiệp bưu chính của Việt Nam, từ tháng 3/2023 đã có trung bình từ 4-5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam với giá trị trung bình khoảng 45-63 triệu USD/ngày. Một tháng có khoảng 1,3 – 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok.

CÁC SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NƯỚC NGOÀI “THỐNG TRỊ” THỊ TRƯỜNG MUA BÁN TRỰC TUYẾN VIỆT NAM

Trong những năm qua, không phải các sàn thương mại điện tử của Việt Nam, hai "tay chơi" đến từ Singapore – Shopee và Lazada mới là những cái tên liên tục dẫn đầu thị trường bán lẻ điện tử Việt Nam. Và mới đây nhất, từ cuối tháng 4/2022, ngay khi vừa xuất hiên, TikTok Shop cũng đã nhanh chóng tham gia đường đua, bước thẳng vào top 5 các sàn thương mại điện tử Việt Nam.

Thậm chí, nhờ tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, TikTok Shop nhanh chóng "vượt mặt" Lazada ngồi chắc vị thứ hai. Giữ vị trí thứ tư và thứ năm hiện tại lần lượt là hai sàn thương mại điện tử của Việt Nam là Tiki và Sendo.

Mặc dù nằm trong nhóm 5 sàn thương mại điện tử có doanh thu cao nhất, tuy nhiên, thị phần của hai sàn Tiki và Sendo không đáng kể khi đặt lên bàn cân so sánh với những "tay chơi ngoại quốc" như Shopee, TikTok hay Lazada. Theo đó, trong báo cáo doanh thu quý 2/2024 của 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu do YouNet ECI thực hiện, Shopee dẫn đầu thị trường với thị phần 71,4% tính theo tổng giao dịch (GMV). TikTok Shop chiếm 20% thị phần, Lazada chiếm 5,9% trong khi đại diện Việt Nam chỉ có “góc bánh” khá khiêm tốn với 0,7% thị phần.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Theo dự báo của Metric, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam có khả năng sẽ đạt hơn 310.000 tỷ đồng vào năm nay. Và đến năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đặt mục tiêu đưa quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD (~880.000 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Văn Vững, CEO & Sáng lập của BigX, một trong top 3 đối tác dịch vụ xuất sắc của TikTok Shop cho rằng thị trường còn rất nhiều dư địa để phát triển: Thứ nhất, những ai đã có thói quen mua hàng online sẽ tiếp tục hành vi đó và những người chưa có thói quen sẽ dần dần tham gia thị trường thương mại điện tử. Thứ hai, tỷ lệ chênh lệch giữa mua hàng trực tuyến và mua hàng ngoại tuyến vẫn còn nhiều vì vậy miếng bánh thị trường vẫn còn đang nở ra nhiều.

Các chuyên gia cho rằng tiềm năng của thị trường thương mại điện tử là rất lớn, tuy nhiên để nắm được cơ hội này các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực và tăng tốc hơn nữa mới có thể giành được vị trí xứng đáng trên sân chơi thương mại điện tử - vốn được xác định là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng quy mô kinh tế số quốc gia.