Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân

13:43, 04/01/2022

Trong bài viết gửi Báo Nhân Dân, Trung tướng, PGS, TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Công an, nhấn mạnh: Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt đầy đủ, toàn diện quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là trong giai đoạn đổi mới đất nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn xác định giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân là nhân tố căn bản, then chốt, quyết định chất lượng nhiệm vụ xây dựng lực lượng Công an qua các thời kỳ và tác động trực tiếp đến kết quả các mặt công tác Công an. Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài viết này.

Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ. thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tặng Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ cho các học viện, trường Công an nhân dân tại Hội nghị Tổng kết công tác giáo dục, đào tạo năm 2021 và triển khai công tác giáo dục, đào tạo năm 2022 trong Công an nhân dân.

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục, đào tạo, coi giáo dục là động lực phát triển của quốc gia, dân tộc. Theo Người: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”i; “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”ii. Dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa truyền thống của dân tộc, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo, coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và đã ban hành, lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục, đào tạo.

Trong đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một văn kiện đặc biệt quan trọng. Đại hội XIII của Đảng ta tiếp tục chỉ rõ: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước...iii.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt đầy đủ, toàn diện quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là trong giai đoạn đổi mới đất nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn xác định giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân là nhân tố căn bản, then chốt, quyết định chất lượng nhiệm vụ xây dựng lực lượng Công an qua các thời kỳ và tác động trực tiếp đến kết quả các mặt công tác Công an.

Trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã ban hành, thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông tư về giáo dục đào tạo; nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các đề án về phát triển giáo dục, đào tạo tạo Công an nhân dân, nổi bật như: Nghị quyết số 17/NQ-ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong Công an nhân dân, Đề án “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân đến năm 2020”.

Mới đây nhất là Chỉ thị số 09/CT-BCA, ngày 1/11/2021 của Bộ trưởng Công an về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 thích ứng với đại dịch Covid-19, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân.

Cùng với đó, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện những định hướng quan trọng này với quyết tâm chính trị cao. Đến nay, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/8/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Quyết định số 106/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an, hệ thống cơ sở giáo dục trong Công an nhân dân đã được sắp xếp tinh gọn, với 4 học viện, 4 trường đại học, 3 trường cao đẳng và 1 trường văn hóa. Các trung tâm bồi dưỡng Công an đơn vị, địa phương cũng được tổ chức, sắp xếp khoa học, nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu đặc thù của các lĩnh vực công tác Công an.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân -0Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ trình bày Báo cáo tóm tắt sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 6/8/2018 của Chính phủ tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77, Hà Nội, ngày 27/12/2021.

Các ngành, nghề đào tạo trong Công an nhân dân tiếp tục có sự điều chỉnh, bổ sung sát hợp với nhu cầu thực tiễn sử dụng cán bộ của Công an các đơn vị, địa phương. Phương pháp giảng dạy, học tập được đổi mới theo hướng tích cực, chủ động, lấy người học làm trung tâm, phát huy năng lực người học, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, nhất là thực tiễn mới, phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn công tác.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng các trình độ lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được chú trọng. Mỗi học viên được quan tâm, trang bị những tri thức liên ngành liên quan nhiều đến công tác công an, bổ sung những kỹ năng mềm trong các vấn đề xã hội.

Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, thực sự là những nhà giáo gương mẫu, tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm, người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tự tôn nghề nghiệp, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến cho lý tưởng cách mạng của Đảng, của lực lượng Công an nhân dân trong mỗi học viên.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự chăm lo, đầu tư của Nhà nước và Bộ Công an, các học viện, trường Công an nhân dân đặc biệt quan tâm việc ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo của lực lượng Công an nhân dân ngày càng được chú trọng, nhất là trong những lĩnh vực Việt Nam chưa có thế mạnh; qua đó, góp phần bổ sung nguồn lực phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Cùng với công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, hoạt động nghiên cứu khoa học trong các học viện, trường Công an nhân dân đã có sự phát triển mới về chất, một số cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân đã trở thành những trung tâm nghiên cứu lớn của lực lượng và của quốc gia, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn, phục vụ việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Có thể khẳng định: Kết quả đổi mới căn bản, giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân những năm qua đã góp phần quan trọng bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác, chiến đấu của toàn lực lượng Công an nhân dân; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

2. Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia, dân tộc; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tình trạng tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên…

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân -0Đồng chí Trần Quốc Tỏ tham quan Triển lãm Sách “Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại chào mừng Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77”.

Thực tiễn đó đã và đang đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung, cũng như công tác giáo dục đào tạo Công an nhân dân nói riêng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Hơn bao giờ hết, công tác giáo dục, đào tạo Công an nhân dân năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo cần có sự chuyển mình, đổi mới sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa, tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, Cục Đào tạo và các học viện, trường Công an nhân dân cần tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, mà trực tiếp là của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an để chủ động thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19; tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân giai đoạn 2021-2030, đáp ứng yêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hai là, tập trung đổi mới mạnh mẽ, thực chất nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng coi trọng phẩm chất, năng lực người học, phát huy tính tự giác, tích cực của người học, lồng ghép nhiều hơn thực tiễn sinh động vào nội dung bài giảng; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo mới với đào tạo lại, giữa đào tạo chính quy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy với công tác bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn về nghiệp vụ, pháp luật, kỹ năng công tác.

Phân định đào tạo bậc học chuyên sâu (đại học, sau đại học) và bậc học rèn luyện kỹ năng, tay nghề, nghiệp vụ trực tiếp công tác, chiến đấu tại địa bàn cơ sở (trung cấp), bảo đảm ổn định, liên thông giữa các bậc học, hệ học, cụ thể hóa từng vị trí, chức danh công tác từ lãnh đạo, chỉ huy đến cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên các lĩnh vực công tác công an.

Ba là, có kế hoạch, quy hoạch cụ thể xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có tính kế thừa và phát triển; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy theo phương pháp hiện đại, tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.

Coi trọng việc phân công giáo viên đi luân chuyển có thời hạn tại Công an đơn vị, địa phương để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Thực hiện tốt chính sách tuyển chọn, sử dụng phù hợp đội ngũ giáo viên thỉnh giảng, thu hút trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý có nhiều kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo Công an nhân dân.

Bốn là, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên tập trung hiện đại hóa hệ thống thư viện, thao trường, bãi tập, phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm, trung tâm thực hành nghiệp vụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ đào tạo, huấn luyện kỹ năng thực hành cho cán bộ, chiến sĩ, học viên.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học kỹ thuật của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, gắn kết chặt chẽ hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học với giảng dạy và thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.

-----------

Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, năm 2011, tập 4, tr.7.

ii Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, năm 2011, tập 6, tr.208.

iii Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, năm 2021, Tập I, tr.136.

Trung tướng, PGS, TS TRẦN QUỐC TỎ (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Công an)

Theo/nhandan.vn