Tìm phương thức mới quản lý thuế hộ kinh doanh và cá nhân khi bán hàng trực tuyến nở rộ
Cả nước hiện có 3,24 triệu hộ, cá nhân kinh doanh, trong đó 41% trong diện chịu thuế. Tăng cường quản lý thuế nhóm này, ngành thuế đang rà soát dữ liệu cá nhân, hộ kinh doanh, đặc biệt khi phát sinh thu nhập từ kinh doanh trực tuyến, hay triển khai hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền...
Tổng cục Thuế vừa tổ chức hội nghị khu vực phía Nam về đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và chống gian lận, trốn thuế trong kinh doanh thương mại điện tử.
Tại hội nghị này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết nhóm hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có số lượng lớn, đóng vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh cũng là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất xã hội.
Ngoài ra, còn có một số lượng nhất định các cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh, cá nhân cho thuê tài sản, cá nhân kinh doanh nộp thuế qua tổ chức khai - nộp thuế thay.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, trong thời đại nền kinh tế số, hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng phát triển nhanh chóng, không chỉ hoạt động theo mô hình truyền thống như: có cửa hàng, cửa hiệu, địa điểm kinh doanh cố định, chủ hộ kinh doanh thường là các hộ gia đình, hoạt động trong phạm vi địa bàn nơi cư trú của cá nhân... mà còn phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức kinh doanh mới.
Đơn cử như hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hợp tác kinh doanh với tổ chức, kinh doanh trong mô hình kinh tế chia sẻ, kinh doanh cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số xuyên biên giới…
Điều này đòi hỏi ngành thuế cần có phương thức mới trong quản lý thuế hộ kinh doanh phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội, hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Cá nhân, hộ kinh doanh tham gia nhiều mô hình kinh doanh mới đòi hỏi ngành thuế thay đổi phương thức kiểm soát.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế rà soát dữ liệu, đối tượng tại địa bàn để tránh bỏ sót hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; tổ chức khảo sát doanh thu và các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh thực tế của hộ kinh doanh để điều chỉnh doanh thu, mức thuế khoán sát với thực tế phát sinh.
Cùng với đó, thực hiện rà soát chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế cá nhân, trong đó có thông tin của chủ hộ kinh doanh; rà soát cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử do các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp. Tăng cường triển khai hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh, đặc biệt là tăng cường phối hợp với cơ quan, ban ngành địa phương quản lý, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Ngành thuế cũng đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Đồng thời, thực hiện công khai thông tin về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán theo quy định và công khai trên chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh, đảm bảo thông tin minh bạch, tăng cường giám sát của người dân và các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương. Từ đó, giúp cơ quan thuế quản lý người nộp thuế nắm bắt tốt địa bàn nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách.
Ngoài ra, nhằm giảm dần sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững đến năm 2025, theo đó, tại tiết d điểm 1 mục A phần III Nghị quyết giao Bộ Tài chính: “Tiếp tục thực hiện cải cách quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá nhân nhằm giảm dần sự khác biệt giữa chính sách thuế của doanh nghiệp và hộ kinh doanh”.
Theo đó, ngành thuế sẽ đề xuất, tham mưu trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ sửa đổi về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các văn bản hướng dẫn thi hành luật để đáp ứng mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, giảm dần sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy đến tháng 8/2024, cả nước có 3,24 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trong đó, số lượng hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định, kinh doanh thường xuyên là 2,03 triệu hộ (trong đó, hộ khoán là 1,95 triệu và 80 nghìn hộ kê khai); số hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm và phải nộp thuế là 1,27 triệu hộ, chiếm 60%. |