Tín hiệu cáp quang có thể truyền xa đến bao nhiêu km?
Các kĩ sư điện tại Viện Qualcomm thuộc Đại học California ở San Diego cho biết đã tìm ra cách để phá vỡ giới hạn năng lực truyền dẫn của cáp quang, tiến tới hệ thống cáp quang truyền tải xa hơn với giá thành rẻ hơn.
Hiện nay, về cơ bản tín hiệu được gửi thông qua một liên kết sợi quang bị giới hạn về cường độ ánh sáng. Thực tế, khi tăng cường độ ánh sáng thông qua một sợi cáp quang, các hiện tượng nhiễu, biến dạng và suy giảm tín hiệu sẽ tăng lên do hiệu ứng quang học Kerr, gây ra các vấn đề dành cho nhà thiết kế mạng cáp quang.
Hiệu ứng quang học Kerr khi ở mức cao sẽ làm biến dạng hoàn toàn, ngăn chặn tín hiệu truyền đến nơi nhận. Kết quả là tín hiệu cáp sẽ tồi tệ hơn khi truyền khoảng cách xa, buộc phải trang bị bộ lặp nhằm trung chuyển tín hiệu.
Bước đột phá mới giúp tăng giới hạn dung lượng băng thông cao dành cho mạng cáp quang, cho phép thiết bị nhận có thể nhận biết được các độ nhiễu trong khi truyền. Dựa trên các dự đoán về độ nhiễu mà thiết bị nhận có thể tái tạo lại dữ liệu.
Với công nghệ mới, lưu lượng điện năng được gửi thông qua một sợi cáp quang có thể được tăng lên đáng kể mà không lo lắng về ảnh hưởng của độ nhiễu.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Qualcomm đã có thể tăng công suất tín hiệu trong một sợi cáp gấp 20 lần mà vẫn đảm bảo nhận tín hiệu mạnh mẽ, không phải phụ thuộc vào bộ lặp tín hiệu. Ví dụ, các kỹ sư có thể gửi dữ liệu đến khoảng cách xa kỷ lục là 12.000 km thông qua một sợi cáp quang với bộ khuếch đại tiêu chuẩn và không cần bộ lặp.
Thái Vân (theo techspot.com)