Tọa đàm "Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam"

13:49, 06/04/2023

Sáng ngày 06/4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội) đã diễn ra Tọa đàm “Cuộc CMCN 4.0 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam” do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) chủ trì. Tại buổi tạo đàm, các ý kiến đóng góp cũng như các giải pháp khắc phục những khó khăn của thị trường bán lẻ Việt Nam trong xu thế chung của cuộc CMCN 4.0 đã thu hút được nhiều sự quan tâm.

Xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0

Tham dự Tọa đàm có TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các đại biểu đến từ Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, Cục TMĐT và Kinh tế số, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Vụ Khoa học - Công nghệ)...

Về phía Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam có bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội; bà Đinh Thị Mỹ Vân - Tổng biên tập Tạp chí Thương Trường và đại diện các doanh nghiệp và các Hội, Hiệp hội, các cơ quan báo chí.

Phát biểu Khai mạc Tọa đàm, TS. Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh: Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn mở rộng với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước; các chuyên gia kinh tế, thương mại, công nghệ; các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ và liên quan… cùng thảo luận, phân tích thực trạng, chỉ rõ xu thế phát triển và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế từ chính sách đến thực tiễn, khuyến nghị đổi mới sát với thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam trong xu thế chung của cuộc CMCN 4.0.  

Tại buổi Tọa đàm, TS. Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương nhận định, thị trường Việt Nam đã có bước phát triển ổn định trong suốt giai đoạn 2017-2022, bất chấp những khó khăn của thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Quý 1/2023, Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1187 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với quý 1/2022, chiếm 78,9% tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước trong quý đầu năm nay.

Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%), số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.

TS. Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương.

Để có được những kết quả trên, TS. Đinh Thị Bảo Linh cũng chỉ ra những mặt thuận lợi của ngành bán lẻ. Những thuận lợi này đã được ngành bán lẻ tận dụng tốt.

Dự báo xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, TS. Đinh Thị Bảo Linh cho hay ở cách tiếp cận sát với thị trường bán lẻ, có thể thấy Cách mạng công nghiệp 4.0 với các bước tiến lớn về công nghệ sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tự động hóa, hình thành các mạng lưới chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trên diện rộng, kết nối cả về không gian (toàn cầu) và thời gian (từ quá khứ đến tương lai), và do từng bước làm nhòa ranh giới về vật lý.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Hưng – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng: Thương mại điện tử Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng nhanh sau 2 giai đoạn manh nha và đang có mức tăng trưởng doanh thu rất ấn tượng. Nếu như năm 2015 có doanh thu bán lẻ TMĐT chỉ đạt 4 tỷ USD, đến 2022 bán lẻ thương mại điện tử đã tăng lên 20 tỷ USD.

TS. Nguyễn Thanh Hưng - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử.

"Bán lẻ hàng hóa và thương mại điện tử đang quyện hòa vào nhau khi phương thức bán hàng đa kênh đang trở thành xu thế của thời đại. Thậm chí, cả cửa hàng tạp hóa cũng đã trở thành nơi đang ưu tiên áp dụng và đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử" - ông Hưng nói.

Theo Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, vai trò của ngành thương mại với đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển của đất nước là đặc biệt quan trọng. Thời điểm năm 2019 mở của thị trường chúng ta đã gặp nhiều khó khăn về thị trường. Ngành bán lẻ đã phải đối đầu với nhiều tác động về giá cả, hàng hóa,....

"Vấn đề phát sinh liên quan đến TMĐT, cần phải thường xuyên sửa đổi các văn bản, quy phạm pháp luật để kiểm soát. Hiện vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tranh chấp trên các sàn TMĐT cũng là vấn đề rất được nhiều người quan tâm" - ông Khôi cho biết thêm.

TS. Lê Huy Khôi, Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương, Bộ Công Thương.

Trí tuệ nhân tạo là yếu tố cốt lõi của cuộc phát triển công nghệ 4.0

Tham gia thảo luận tại Tọa đàm, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện phó Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp và người dân về cơ bản không hiểu bản chất của CMCN 4.0.

TS. Vũ Đình Ánh giải thích, xử lý thông tin không phải là cốt yếu, yếu tố 4.0 ở đây là phát triển cao của 3.0. TS. Ánh đưa ra minh chứng cụ thể: Hiện nay chúng ta chưa gọi là phát triển 4.0 bởi, trí tuệ nhân tạo mới là yếu tố cốt lõi của cuộc phát triển công nghệ 4.0 mà ChatGPT chính là một ứng dụng gần như đầu tiên của công nghệ 4.0. Ứng dụng này cho thấy trí tuệ nhân tạo cao, nó biết "rút kinh nghiệm". Thoạt đầu ứng dụng này trả lời rất ngây ngô nhưng càng về sau, quá trình rút kinh nghiệm đã khiến ứng dụng này trở nên thông minh hơn. Đó mới là 4.0, là trí tuệ nhân tạo”.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh nói thêm, hành vi người tiêu dùng đang thay đổi kinh điển. Điều này cho thấy thói quen tiêu dùng của người dân, dùng hàng hiệu để khẳng định mình. Biến hàng hiệu thành tài sản, thành sản phẩm tích trữ tài sản để lại đời sau. Điều này đã biến nhà bán hàng hiệu thành người giàu nhất thế giới.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện phó Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính.

"Tôi rất quan ngại về vấn đề này. Thời điểm hiện nay, quyết định chuỗi sản xuất, không phải nhà sản xuất mà là nhà bán lẻ, hệ thống phân phối mới là người cuối cùng quyết định chuỗi giá trị. Theo đó, thời nay, các nhà bán lẻ nắm bắt được thói quen, nhu cầu của người tiêu dùng rồi đưa thông tin đến nhà sản xuất, nhà thiết kế từ đó quyết định hệ giá trị, giá trị sản xuất" - TS. Ánh nói.

Đồng ý với một số ý kiến của TS. Ánh, Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành bán lẻ. Trên phương diện của một luật sư, trước tiên tôi kiến nghị để ngành bán lẻ phát triển, cần sự phối hợp chặt chẽ của Nhà nước, các doanh nghiệp bán lẻ và toàn bộ người sản xuất.

Một điểm nữa, theo luật sư Tiền liên quan đến kiểm soát chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử, để nâng cao quản lý chất lượng ngành này, chúng ta cần chuyên nghiệp hóa lực lượng vận chuyển, shipper. Từ đó, có những quy định pháp luật để đóng góp, quản lý lực lượng này. Đơn cử như những quy định về ký quỹ, về nguyên tắc giao nhận hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa khi nhận hàng vận chuyển,… "Phải làm được những việc này, luật hóa các quy định thì sẽ giải quyết được việc đảm bảo chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử" - Luật sư Tiền nêu rõ.

Doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ để phát triển hình thức quảng cáo

Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, ông Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ nêu rõ, sự phát triển của CMCN 4.0 mang đến những thách thức với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự, lãnh đạo khi triển khai công nghệ số.

Ông Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ.

Quản lý doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mặc dù so với trước đây hiện chúng ta đã dễ dàng hơn nhiều về truy xuất nguồn gốc, nhưng nếu nhà bán lẻ không kịp ứng dụng công nghệ vào bán hàng thì hệ thông bán lẻ rất dễ “bị bóc phốt” gây ảnh hưởng, sụp đổ ngay trong một thời gian ngắn. Trước đây nhà bán lẻ bảo lãnh với NTD về nguồn gốc hàng hóa, những hiện nay nhà bán lẻ cần hợp tác với nhà sản xuất, ứng dụng công nghệ vào hoạt động phân phối. Từ đó, giảm thiểu rủi ro với chính nhà bán lẻ. Ngoài ra, ứng dụng này cũng sẽ hỗ trợ việc xử lý phản ánh về chất lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Về hoạt động quảng cáo hàng hóa, những phát triển về công nghệ khiến hình thức quảng cáo đa dạng hơn, lan truyền nhanh hơn những sản phẩm quảng cáo truyền thống. Đơn cử như hoạt động livetream, có sức lan tỏa nhanh hơn rất nhiều so với quảng cáo trên truyền hình hay hình thức bán hàng bằng hotline cổ điển. Nếu doanh nghiệp không phát triển hình thức quảng cáo theo phát triển công nghệ, rất có thể tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh.

Để phát triển hệ thống bán lẻ, TS. Hoàng Sơn Công đưa ra 3 kiến nghị. Thứ nhất, doanh nghiệp hãy chú tâm đến những ứng dụng trên điện thoại thông minh của người tiêu dùng. Thứ hai, là người tiêu dùng quan tâm gì, chúng ta bán gì. Thứ ba, hãy tuyển dụng những streamer chuyên nghiệp làm nhân viên của mình, họ là người có nhiều thế mạnh bán hàng.

Tiếp nối phần tham luận, trong phần trao đổi và thảo luận TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đã lấy ChatGPT để nói cụ thể hơn về vấn đề công nghệ 4.0.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Lấy dẫn chứng về câu chuyện từ ChatGPT, ông Dũng nhấn mạnh tới những thách thức lớn của ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay. Đầu tiên đó là tính cạnh tranh không biên giới. Hiện đã có nhiều người mua hàng từ Trung Quốc vì giá rẻ hơn, trong khi người Việt ta cũng có thể sản xuất ra hàng hóa và bán sang Mỹ. Cùng với đó, việc 80% hàng hóa tại các cửa hàng đều hàng hóa từ Trung Quốc, và với giá cả thấp đã cho thấy hàng hóa Trung Quốc có tính cạnh tranh cao khiến các nhà bán lẻ và sản phẩm trong nước yếu tính cạnh tranh hơn.

Bán lẻ có thể đã cố gắng, nhưng hệ thống Logistics không theo kịp cũng khiến cuộc chơi dễ thất bại và thua cuộc. Tại Trung Quốc, hệ thống giao hàng phát triển rất nhanh và mạnh, nếu Việt Nam không làm tốt sẽ gây khó cho sự phát triển của bán lẻ.

Đứng trên phương diện người tiêu dùng, người được hưởng những dịch vụ của ngành bán lẻ, Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, việc phát triển của ngành bán lẻ đã khắc phục được những khó khăn mà như trước đó thời bao cấp chúng ta phải xếp hàng để chờ mua. Việc bùng nổ công nghệ cũng giúp cho ngành bán lẻ ngày càng phát triển hơn.

CMCN 4.0 đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Riêng đối với ngành dịch vụ bán lẻ, sự cần thiết phải ứng dụng thành tựu CMCN 4.0, Tọa đàm đã phần nào giúp đại diện các doanh nghiệp và các Hội, Hiệp hội có góc nhìn chính xác, những nhận định cụ thể buộc các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu phải thay đổi để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Thùy Dung (T/h)