Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”

13:04, 13/02/2023

Thông tin trước thềm toạ đàm “'ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực của ChatGPT.

Hôm nay (13/2), Bộ GD-ĐT giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” với sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.

Những ngày qua, sau khi thông tin tọa đàm được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ các nhà quản lý, cộng đồng giáo viên, chuyên gia giáo dục và chuyên gia công nghệ. Đặc biệt, cộng đồng giáo dục chia sẻ và bày tỏ sự đón đợi nhiều trên mạng xã hội.

Chiều nay sẽ diễn ra Toạ đàm ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo: Lợi ích và thách thức đối với giáo dục.

Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục.

Đồng thời, tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, giáo viên và nhà quản lý tìm ra các giải pháp cho những vấn đề về giáo dục và xây dựng kế hoạch tương lai sử dụng và ứng dụng AI. 

Toạ đàm bao gồm 2 chủ đề thảo luận: Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục và Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục. 

Chủ đề thảo luận "Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục" có tham dự của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn; GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN; Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc. 

Chủ đề thảo luận 'Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục' có sự tham dự của PGS. TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông - ĐH Bách Khoa Hà Nội; TS. Nguyễn Thành Nam, Nhà sáng lập FUNiX; ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam và TS. Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục. 

Điều phối các phiên tọa đàm này là GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Chân Hoàn (T/h)