Tốc độ Internet của Úc nhanh nhất thế giới

Minh Thùy 06:51, 02/06/2020

Một nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học Monash, Swinburne và RMIT đã sử dụng một thiết bị mới nhỏ và nhẹ hơn phần cứng viễn thông hiện có, trong đó thay thế 80 tia laser bằng một chip quang duy nhất được gọi là micro-comb. Thiết bị này cũng có thể lắp đặt và kiểm tra khả năng truyền tải trên cơ sở hạ tầng hiện có của Úc.

Theo công bố trên tạp chí uy tín Nature Communications, nghiên cứu này không chỉ có khả năng đẩy nhanh 25 năm năng lực viễn thông của Úc mà còn có thể giúp mô hình công nghệ mới triển khai trên toàn thế giới. Công nghệ có khả năng hỗ trợ các kết nối internet tốc độ cao cho 1,8 triệu hộ gia đình của Melbourne (Úc) trong cùng lúc cũng như hàng tỉ người trên khắp thế giới trong những lúc cao điểm.

Nhà cung cấp dịch vụ phân phối nội dung Akamai cho biết, tốc độ băng thông rộng trung bình ở Úc là khoảng 11 megabit/giây (1 terabit tương đương 1 triệu megabit). Vì vậy, kết nối 44,2 Tbps mới nhanh hơn 4 triệu lần so với tốc độ trung bình 11Mbps.

Tiến sĩ Bill Corcoran, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, những phát hiện cho thấy chúng ta có thể nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kết nối Internet.

Trao đổi với The Independent, ông Corcoran cho biết: “Hiện tại, có một phần nhỏ trong cuộc đua toàn cầu là việc đưa công nghệ này tiến đến giai đoạn thương mại, vì micro-comb rất hữu ích trong một loạt các công nghệ hiện có. Tôi dự báo rằng chúng ta có thể thấy các thiết bị như micro-comb sẽ có sẵn tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu trong 2 đến 3 năm và bắt đầu sử dụng thương mại trong khoảng 5 năm tới”.

Theo ông Corcoran, micro-comb cũng giúp cho chúng ta là một cái xa hơn về vấn đề năng lực của các nhà mạng sau vài năm tới, đặc biệt là khi các công nghệ dữ liệu như 5G, xe tự lái và cả thứ rộng lớn hơn như “Internet vạn vật” (IOT) được đưa vào sử dụng. Lưu lượng truy cập Internet hiện đang tăng 25% mỗi năm khi xã hội ngày càng kết nối.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu sẽ cần các công nghệ nhỏ gọn mới, như các thiết bị có kích thước bằng móng tay, trong việc mở rộng khả năng truyền dữ liệu của các mạng để giảm không gian và mức tiêu thụ điện năng, cũng như chi phí, trong khi vẫn tăng tốc độ dữ liệu nói chung. Nghiên cứu cũng cho thấy thiết bị mới tương thích với cơ sở hạ tầng cáp quang hiện có.

Giáo sư David Moss, một nhà lãnh đạo khác của nghiên cứu và là giám đốc của trung tâm khoa học quang học tại Đại học Swinburne, cho biết: “Micro-combs mang đến hứa hẹn to lớn cho chúng ta trong việc đáp ứng nhu cầu vô độ về băng thông của thế giới”.

Thông thường những thử nghiệm với quy mô lớn như vậy được giới hạn trong phòng thí nghiệm. Nhưng ở trường hợp này, các nhà nghiên cứu đã đạt được tốc độ đường truyền kỷ lục bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng truyền thông hiện có, giúp họ có thể kiểm tra khả năng chịu tải của đường truyền một cách hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu gồm tiến sĩ Bill Corcoran (Đại học Monash), Giáo sư Arnan Mitchell (Đại học RMIT) và Giáo sư David Moss (Đại học Swinburne) đã sử dụng một thiết bị mới thay thế 80 tia laser bằng con chip micro-comb duy nhất, nhỏ và nhẹ hơn các thiết bị viễn thông hiện có. Nó được tích hợp và thử khả năng chịu tải bằng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, tương tự như cơ sở hạ tầng được sử dụng bởi Mạng lưới băng thông rộng quốc gia của Úc (NBN).

Được biết, đây là lần đầu tiên một chip micro-comb được thử nghiệm thực tiễn và truyền được lượng dữ liệu cao nhất từ chip quang duy nhất.

Để minh họa khả năng của các tổ hợp quang học từ micro-comb đối với việc tối ưu hóa các hệ thống thông tin liên lạc, các nhà nghiên cứu đã lắp đặt 76,6 km sợi quang “tối” kết nối Khuôn viên của Đại học RMIT tại thành phố Melbourne và Đại học Monash. Các sợi quang được cung cấp bởi Công ty Mạng nghiên cứu học thuật Úc (AARNet).

Trong các sợi quang này, các nhà nghiên cứu đã đặt thiết bị micro-comb - được cung cấp bởi Đại học Swinburne, hoạt động giống như một chiếc cầu vồng được tạo thành từ hàng trăm tia laser hồng ngoại chất lượng cao chỉ từ một con chip. Mỗi “tia laser” đóng vai trò như một kênh liên lạc riêng.

Minh Thùy