Tối ưu hoá quy trình doanh nghiệp - điều kiện tồn tại trong khủng hoảng
Đối diện trước bất kỳ khủng hoảng và khó khăn nào, bước đầu tiên doanh nghiệp cần làm là phải “tối ưu hoá” toàn diện doanh nghiệp của mình. Mục đích cuối cùng là để giảm chi, tăng thu, cân đối dòng tiền để phục hồi sau khủng hoảng…
Theo Tiến sĩ Lê Văn Sơn - Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, doanh nghiệp có thể thực hiện việc tối ưu hoá ở tất cả các lĩnh vực từ nhân sự, đến truyền thông, marketing bán hàng, từ quản trị vận hành các hạ tầng công nghệ đến cách thức giải quyết từng vấn đề…
Vậy bài toán “tối ưu hoá” doanh nghiệp sẽ được thực hiện như thế nào?
Tối ưu hoá nhân sự
Ở vấn đề nhân sự, trước hết, doanh nghiệp cần tìm ra vấn đề mà doanh nghiệp mình đang gặp phải trong lĩnh vực nhân sự là gì? Con người là chủ thể của mọi hoạt động, chính vì vậy tối ưu hoá nhân sự là cách giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển được đội ngũ nhân tài trong giai đoạn khó khăn nhất với chi phí ít nhất nhưng vẫn đạt được hiệu quả làm việc cao nhất.
Nguyên tắc đưa ra trong việc tối ưu hoá nhân sự là cần: Thuê đúng người. Nhiều doanh nghiệp cho rằng khi khó khăn thì nên “đóng băng” tuyển dụng để cắt giảm chi phí, nhưng điều đó không cần thiết. Cách tối ưu chi phí nhân sự hiệu quả chính là thuê được đúng người phù hợp với vị trí công việc đó và phù hợp với văn hoá công ty.
Nguyên tắc thứ 2 là tự động hoá các quy trình tuyển dụng và quản lý nhân viên. Việc tự động hoá các quy trình nhân sự sẽ giúp lãnh đạo các doanh nghiệp cắt giảm được sự cồng kềnh của bộ máy, có thời gian tập trung vào nhiệm vụ khác…
Nguyên tắc thứ 3 là thường xuyên đào tạo và định hướng nhân viên. Điều này nhìn có vẻ sẽ thêm lãng phí tiền bạc nhưng ngược lại nó sẽ giúp nhân viên cải thiện tư duy, tăng hiệu suất làm việc và đạt được kết quả cao hơn. Bồi dưỡng để nhân viên cũ nâng cao năng lực sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều việc bỏ ra đào tạo một nhân viên mới.
Tối ưu hoá mảng truyền thông, marketing
Doanh nghiệp của bạn đang phải đối đầu với sự lãng phí ngân sách cho truyền thông, marketing mà không đạt được kết quả như mong muốn không? Nếu câu trả lời là có thì doanh nghiệp cần tối ưu hóa ngay khâu này.
Cách làm được chỉ ra đầu tiên là phải có cách làm sáng tạo trong khó khăn, tức là “liệu cơm gắp mắm” với chi phí ít nhất mà mình có để cho ra đời sản phẩm marketing hiệu quả nhất. Thay vì tự làm hết mọi việc thì các doanh nghiệp thường liên kết, hợp tác với các đối tác để đạt được mục tiêu nhanh và vẫn tiết kiệm được ngân sách.
Cần linh hoạt trong quá trình triển khai chiến lược marketing, dựa vào thực tế, nhạy cảm với những biến đổi, xu hướng để cho ra đời chiến lược tốt nhất và tối ưu chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đơn giản hoá thông điệp marketing chuyển hướng sang những chọn lựa đơn giản hơn, tiết kiệm hơn và có ý nghĩa cho cuộc sống hơn. Bước cuối cùng là khai thác triển để internet để tiếp xúc với lượng khách hàng tiềm năng và đông đảo nhất, đây chính là kênh truyền thông rẻ tiền nhất và hiệu quả nhất hiện nay.
Tối ưu hoá trong quản trị vận hàng hạ tầng công nghệ
Trong mảng này có thể tối ưu hoá như thế nào? Để tránh phát sinh những sự cố sẽ khiến doanh nghiệp phải “hao tiền tốn của” ở mảng vận hành hạ tầng công nghệ, doanh nghiệp cần thường xuyên bảo trì, kiểm tra các vấn đề liên quan đến phần cứng, phần mềm nhằm mục đích duy trì sự hoạt động ổn định của các thiết bị công nghệ…
Theo Tiến sĩ Lê Văn Sơn, để thực hiện tối ưu hoá được tất cả các hạng mục trên doanh nghiệp cần có quy trình khảo sát hiện trạng và lựa chọn được cách thức thực hiện tối ưu để giải quyết từng vấn đề nêu trên một cách hiệu quả.
PV