TP Đà Nẵng: Khoa học công nghệ hoạt động tích cực, dự án lấn biển có cần thiết?

15:44, 13/04/2025

Ngày 11/4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo quý I/2025, công bố những kết quả nổi bật trong ba tháng đầu năm và đối thoại cởi mở với báo chí về các vấn đề đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Trong đó, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) được đánh giá có những điểm sáng với nhiều nỗ lực tích cực, song câu chuyện về dự án tạo đảo nhân tạo, lấn vịnh bằng công nghệ tiên tiến để xây dựng khu đô thị mới, trong đó có Khu thương mại tự do được đặt câu hỏi liệu có cần thiết trước bối cảnh dự tính TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ sát nhập, sẽ có thêm đất đai?

Hoạt động Khoa học và Công nghệ triển khai tích cực

Trong quý I/2025, lĩnh vực Khoa học và Công nghệ tại Đà Nẵng ghi nhận nhiều dấu ấn đáng chú ý. Thành phố đã tổ chức 10 đợt kiểm tra cuối kỳ các đề tài nghiên cứu cấp thành phố, nghiệm thu 7 đề tài và đều được xếp loại đạt yêu cầu. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ hạt nhân và bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

DSC00585

Bà Nguyễn Thu Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động trong quý I/2025 tại buổi họp báo.

Đặc biệt, Đà Nẵng đã nhanh chóng hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII, tập trung vào đột phá phát triển Khoa học và Công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây được xem là bước đi chiến lược, không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững mà còn khẳng định vai trò của thành phố trong việc tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại.

Cùng với đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, tiết kiệm năng lượng hiệu quả để xanh hóa khu công nghiệp của Đà Nẵng cũng đang trên đà tạo nên hiệu quả để thu hút đầu tư.

Những kết quả này không chỉ là con số, mà còn là minh chứng cho sự quyết tâm của Đà Nẵng trong việc biến Khoa học và Công nghệ thành động lực tăng trưởng mới.

Dự án lấn biển tầm nhìn lớn nhưng cần thận trọng trong nghiên cứu và đánh giá

Bên cạnh những thành tựu khoa học và công nghệ được thông tin, cuộc họp báo cũng nóng lên với câu hỏi từ báo chí về dự án lấn biển tại TP Đà Nẵng – một ý tưởng táo bạo trong bối cảnh thành phố đang chuẩn bị cho khả năng sát nhập với Quảng Nam.

Dự án này, với quy mô dự kiến khoảng 1500 ha, Dự bao gồm các đảo nhân tạo và 48 km đường biển mới, được kỳ vọng sẽ mở rộng không gian phát triển đô thị, tạo động lực kinh tế mạnh mẽ thông qua du lịch cao cấp, trung tâm tài chính quốc tế và khu thương mại tự do. Chỉ riêng Khu thương mại tự do khi hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng sẽ bao gồm khoảng 300ha lấn biển.

DSC00620

Lãnh đạo Sở trả lời sự quan tâm của báo chí.

Ông Nguyễn Hà Nam, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi được giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về tính khả thi cũng như đánh giá về mặt kỹ thuật như dòng chảy, tác động môi trường, vật liệu, các giải pháp về mặt kỹ thuật xây dựng và các yếu tố khác liên quan.

Ông Nguyễn Hà Nam nói thêm, ý tưởng lấn biển không chỉ để làm khu thương mại mà gồm các đảo để phát triển kinh tế nhằm tạo nên động lực mới, tiềm năng mới cho TP Đà Nẵng: du lịch chất lượng cao, du lịch quốc tế, trung tâm tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng dự án vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu sâu về tính khả thi, đánh giá kỹ thuật và tác động môi trường – những yếu tố sống còn để đảm bảo sự bền vững.

DSC00564

Ảnh minh họa về biển Đà Nẵng. 

Trước câu hỏi liệu có thực sự cần thiết phải lấn biển khi diện tích đất đai có thể tăng thêm từ việc sát nhập với Quảng Nam, ông Nam nhấn mạnh rằng Sở Xây dựng vẫn đang phối hợp khảo sát, lập đề án để trình cấp thẩm quyền, cần thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng và đây không chỉ là lấn biển để tạo đô thị mới thuần túy mà vì mục tiêu phát triển kinh tế.

Dự án lấn biển không phải là ý tưởng mới, nhưng tại Đà Nẵng, nó mang theo cả kỳ vọng lẫn lo ngại. Với công nghệ tiên tiến, thành phố đặt mục tiêu kiến tạo các đảo nhân tạo hài hòa với cảnh quan và hệ sinh thái vịnh Đà Nẵng, đồng thời xin cơ chế đặc thù từ Thủ tướng để tự chủ trong quy hoạch, đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược. Nếu thành công, đây sẽ là bước ngoặt đưa Đà Nẵng vươn tầm quốc tế, trở thành điểm đến không chỉ của du lịch mà còn của tài chính và thương mại.

Tuy nhiên, không ít người vẫn bày tỏ băn khoăn về tác động môi trường, đặc biệt là dòng chảy và hệ sinh thái biển – vốn là “tài sản vô giá” của thành phố. Việc lấn biển, dù ứng dụng công nghệ hiện đại, vẫn tiềm ẩn nguy cơ thay đổi cấu trúc tự nhiên của vịnh Đà Nẵng, đòi hỏi các nghiên cứu đánh giá phải được thực hiện một cách minh bạch và toàn diện

DSC00592

Bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì họp báo quý I/2025.

Cũng tại cuộc họp báo lần này, bà Nguyễn Thị Anh Thi – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – chủ trì họp báo cho biết, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã thành lập ban chỉ đạo để chuẩn bị cho việc sát nhập theo chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương

Bà Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh việc tên và vấn đề xác định trung tâm hành chính đặt tại Đà Nẵng hay tại Quảng Nam sau khi sát nhập đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức. “Việc này phải đợi kết luận của Bộ Chính trị, liên quan đến việc sát nhập giữa hai địa phương khi có thông tin chính thức của Bộ Chính trị, thành phố sẽ trả lời”, bà Thi nói.