TP. HCM sẽ chạy thử xe buýt điện của VinGroup trong 24 tháng
UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận thống nhất chủ trương đưa xe buýt điện (theo đề xuất của Tập đoàn VinGroup – Công ty cổ phần) vào hoạt động thí điểm trên địa bàn thành phố. Thời gian thí điểm 24 tháng, kể từ ngày bắt đầu.
TP. HCM sẽ thí điểm xe buýt điện của VinGroup trong 24 tháng.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ về đề xuất chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại địa bàn thành phố.
Theo văn bản này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng điện là phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển dịch vụ vận tải của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và mục tiêu phát triển đô thị bền vững, hiện đại, thân thiện với môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh. Các tuyến đề xuất mở mới thuộc danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề được UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành tại Quyết định số 2283/QĐ-UBND ngày 24/6/2020, phục vụ nhu cầu sử dụng giao thông công cộng của người dân Thành phố, đặc biệt là tại các khu dân cư mới và các khu vực mà hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa phủ đều.
Về nguồn năng lượng điện, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết để đảm bảo nguồn năng lượng ổn định với giá cung cấp phù hợp phục vụ hoạt động của các phương tiện xe buýt điện, chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp thường xuyên, liên tục với ngành điện trong suốt quá trình triển khai dự án. Giá bán điện được áp dụng theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán lẻ.
Về vị trí xây dựng ga đề pô, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy định và tự bò chi phí đầu tư, xây dựng, lắp đặt bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đê bảo đảm phục vụ hoạt động ổn định của các tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm.
Về đấu thầu, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết xe buýt điện là loại phương tiện mới và đến nay chỉ có một đơn vị là Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần đề xuất đưa loại phương tiện này tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, nhưng do chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá nên chưa đủ cơ sở đề tổ chức đấu thầu.
Về đặt hàng, Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần đã đáp ứng điều kiện cơ bản để thực hiện việc đặt hàng (đã được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô). Tuy nhiên, do chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá nên chưa đủ cơ sở đề tổ chức đặt hàng. Như vậy, loại hình xe buýt điện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chưa có cơ sở đề tổ chức đấu thầu, đặt hàng theo đúng quy định.
Chính vì vậy, để có cơ sở triển khai đề án tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện theo đề xuất của Tập đoàn VinGroup – Công ty cổ phần, UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận thống nhất chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn thành phố, thời gian thí điểm 24 tháng, kể từ ngày bắt đầu.
Cho phép áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với loại xe buýt CNG đang hoạt động trên địa bàn thành phố để thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng băng xe buýt điện đối với Tập đoàn VinGroup – Công ty cổ phần. UBND phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đặt hành theo định mức, đơn giá nêu trên, kh có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá chính thức được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ tổ chức thực hiện công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị giao UBND thành phố tổ chức xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá áp dụng cho loại phương tiện xe buýt điện để phê duyệt và áp dụng theo quy định. Sau thời gian hoạt động thí điểm, tổ chức tổng kết, đánh giá để làm cơ sở chuẩn bị các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định.
PV