TP Thủ Đức: Đề xuất bổ sung một số tuyến đường phục vụ logistics
Trong đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 đã được công bố, TP Thủ Đức đề xuất thêm một số tuyến đường bộ và cả đường sắt nhằm phục vụ ngành logistics.
Quy hoạch 7 trung tâm logistics của TP Hồ Chí Minh. (Ảnh. Sở CT TP Hồ Chí Minh)
Báo cáo tại buổi tọa đàm Quy hoạch và phát triển ngành Logistics trên địa bàn TP Thủ Đức mới đây, đại diện Phòng quản lý đô thị TP Thủ Đức cho biết, trong Đồ án quy hoạch TP Thủ Đức đến năm 2040, TP đã đề xuất bổ sung mới một số tuyến đường nhằm phục vụ phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn.
Cụ thể, trong lĩnh vực đường bộ, bổ sung 2 tuyến đường mới: Đường giao thông Đông Tây mới, lộ giới từ 30 ÷ 40m, xuất phát từ kết nối bán đảo Thanh Đa, đi qua khu đô thị mới Trường Thọ, khu dân cư Bắc Rạch Chiếc và khu công nghệ cao hình thành tuyến hành lang Đông Tây và Đường liên cảng kết nối cụm cảng Cát Lái – Phú Hữu và Tuyến đường Vành đai 3, tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua thành phố Thủ Đức. Đây được nhận định là tuyến đường quan trọng trong kết nối các cảng liên vùng, triển khai xây dựng song song với đường Vành đai 3.
Ngoài ra, TP Thủ Đức cũng đề xuất bổ sung các kết nối với đường Vành đai 3 (làn đi trên cao tốc) phục vụ giao thông, vận tải hàng hóa; Bổ sung các lối lên xuống nhằm tăng cường kết nối các đô thị dọc hành lang.
Trong quy hoạch chung phát triển TP Thủ Đức còn có quy hoạch một tuyến đường sắt tham gia vận tải hàng hóa. Tuyến đường sắt được đề xuất kết nối chở hàng từ cảng Cát Lái, đi theo đường Vành đai 3, QL1 nối với ga An Bình, ga hàng hóa trung tâm của cả vùng.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nhận định "nếu tuyến đường sắt được hình thành kết nối được với tuyến đường sắt quốc gia, tin chắc đây cũng là tuyến đường hết sức quan trọng, chuyên dụng trong phát triển logistics của TP Thủ Đức".
Quy hoạch tuyến đường sắt chở hàng tại TP Thủ Đức.
Trong quy hoạch phát triển 7 trọng điểm ngành logistics tại TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Đức chiếm vị trí quan trọng bởi có đến 4/7 trung tâm logistics trọng điểm đóng trên địa bàn.
TP Hồ Chí Minh mới đây cũng cho biết phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc thiết lập bản đồ số logistics, kho dữ liệu tập trung, tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức. Đến năm 2030, hoàn thành việc xây dựng phiên bản số của hệ thống logistics, diễn đạt được trạng thái của các luồng di chuyển, lưu trữ hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu qua địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và kinh doanh hiệu quả hơn.
Minh Thuỳ (T/h)