Thủ Đức chuyển quyền khai thác hệ thống camera giám sát của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh
Mới đây, UBND TP Thủ Đức (TP.HCM) đã bàn giao quyền khai thác hệ thống camera giám sát của Trung tâm điều hành Đô thị thông minh (IOC) TP. Thủ Đức cho Công an TP Thủ Đức.
UBND TP Thủ Đức (TP. HCM) đã bàn giao quyền khai thác hệ thống camera giám sát của IOC TP Thủ Đức cho Công an TP Thủ Đức.
Hiện trên địa bàn Thành phố hiện có 3.094 camera giám sát do công an quản lý với 130 thiết bị đầu ghi, 127 màn hình theo dõi, phân tích hình ảnh. Văn phòng HĐND và UBND thành phố phối hợp với đơn vị tư vấn, Công an TP. Thủ Đức đã khảo sát thực tế hiện có là 2.362 camera (76,34%) với 121 đầu ghi (93%).
Camera đang hoạt động gồm: 1.437 cái (60% tổng số camera đã khảo sát); camera không hoạt động: 925 cái (40% tổng số camera đã khảo sát); đầu ghi đang hoạt động: 105 cái (86% tổng số đầu ghi đã khảo sát); đầu ghi không hoạt động: 16 cái (13% tổng số đầu ghi đã khảo sát).
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết: Qua khảo sát, có nhiều camera đã bị hư hỏng, không hoạt động, bị mất kết nối với đầu ghi. Do đó, ông đề nghị Công an TP. Thủ Đức chỉ đạo công an các phường tiến hành sửa chữa, bảo trì hệ thống camera bị hư hỏng, thống nhất cách đặt tên hiển thị trên Bản đồ số các camera giám sát để dễ quản lý, truy xuất dữ liệu...
UBND TP. Thủ Đức cho biết, sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn để tích hợp từng camera lên hệ thống IOC TP Thủ Đức. Công an TP Thủ Đức sớm đề xuất những khó khăn, vướng mắc để UBND Thành phố có giải pháp tháo gỡ, tiếp tục phối hợp tốt các bước tiếp theo để hệ thống camera giám sát của IOC TP Thủ Đức hoạt động đạt hiệu quả cao hơn.
IOC TP. Thủ Đức được thành lập vào thời điểm tháng 10/2021, tại đây đang triển khai hoạt động nhiều chức năng trên các lĩnh vực điều hành quản lý nhà nước, bao gồm: Hệ thống giám sát giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống tiếp nhận phản ánh của người dân; Hệ thống quản lý văn bản điện tử; Hệ thống giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng và giao thông. Cùng với đó là Hệ thống giám sát thông tin mạng xã hội; Dữ liệu ngành Y tế; Hệ thống quản lý dữ liệu không gian địa lý "GIS"; Dữ liệu ngành Giáo dục; Hệ thống phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội...
Được biết, giai đoạn tiếp theo, TP. Thủ Đức sẽ tiếp tục bổ sung các lĩnh vực mới, cần thiết, trọng tâm trên địa bàn; thu thập, tinh chỉnh và hoàn thiện dữ liệu thô, tích lũy và mở rộng dữ liệu theo thời gian để làm giàu kho dữ liệu; tận dụng hiệu quả dữ liệu sẵn có, đưa vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (big data), mô hình dự báo, chủ động, xây dựng các công cụ hỗ trợ ra quyết định
Thiên Thanh (T/h)