TP.HCM có nhiều chính sách ưu đãi thúc đẩy mô hình đại học khởi nghiệp

15:53, 24/05/2024

Chính sách ưu đãi để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng sôi động tại TP.HCM như: Miễn giảm thuế, mức kinh phí hỗ trợ hấp dẫn ở từng giai đoạn của dự án đổi mới sáng tạo,...

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+ tổ chức hội thảo "Tham vấn chuyên gia và cộng đồng về mô hình đại học khởi nghiệp" tại TP.HCM.

Nhiều chính sách hấp dẫn

TP.HCM được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất cả nước, với hơn 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó, con số này chiếm 0,5% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và gần 50% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước.

 Đại diện các trường đại học chia sẻ về tiềm năng, khó khăn, kiến nghị,... khi xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp.

Ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường đại học là thành tố rất quan trọng. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hoá, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ. 

"Các trường đại học là nguồn sản xuất trí thức và công nghiệp cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ của doanh nghiệp", ông Lê Thanh Minh nói.

Lý giải rõ hơn vì sao phải phát triển mô hình đại học khởi nghiệp, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho rằng có 2 yếu tố mà Việt Nam chưa có là chính sách tốt về hệ sinh thái khởi nghiệp và start-up tốt. 

Cụ thể, chính sách tốt sẽ là môi trường pháp lý thuận lợi để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Thứ hai, start-up tốt sẽ liên quan đến lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái hướng đến tính ổn định và lợi thế cạnh tranh. 

"Cả 2 yếu tố ổn định và có lợi thế cạnh tranh đều nằm ở trường đại học, chỉ có trường đại học mới tạo ra nguồn lực về đổi mới sáng tạo", bà Trúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 do Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện, nhóm chuyên gia đã đưa ra một số nhận định. Trong đó, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu công lập đang hoạt động chưa hiệu quả trong việc đóng góp kinh tế thông qua việc chuyển giao công nghệ, hợp tác với ngành công nghiệp và phát triển các dự án phụ trợ. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực là một thách thức do có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FIEs).

"Rõ ràng, yếu tố đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cao hơn, điều này vô tình dẫn tới nguồn lao động chất lượng cao chảy về những doanh nghiệp như vậy", bà Trúc lưu ý.

Tại TP.HCM, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển mô hình đại học khởi nghiệp ngày càng sôi động, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 20/NQ/HDND. 

Cụ thể, đối tượng áp dụng của nghị quyết này bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM và tổ chức, cá nhân khác thuộc các lĩnh vực: Thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng…

Tiêu chí tuyển chọn dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: Tính sáng tạo; năng lực tổ chức thực hiện; hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội; thị trường tiềm năng; ứng dụng công nghệ; mô hình kinh doanh.

Cụ thể, mức kinh phí hỗ trợ tương ứng với các giai đoạn của dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, gồm 3 giai đoạn: tiền ươm tạo là 40 triệu đồng/dự án (không quá 6 tháng, trong đó tiền công lao động 10 triệu đồng, chi phí khác 30 triệu đồng); ươm tạo là 80 triệu đồng/dự án (không quá 12 tháng, trong đó tiền công lao động 30 triệu đồng, chi phí khác 50 triệu đồng); tăng tốc là 400 triệu đồng/dự án (không quá 12 tháng, trong đó tiền công lao động 150 triệu đồng, chi phí khác 250 triệu đồng). Bên cạnh đó còn có các chính sách ưu đãi đặc thù khác, tùy theo từng dự án

Lãnh đạo đóng vai trò quan trọng

Theo đại diện các trường đại học, để xây dựng thành công mô hình trường đại học khởi nghiệp, lãnh đạo đóng vai trò quan trọng. 

Theo PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM, lãnh đạo phải thông qua kế hoạch chiến lược, để đào tạo những môn học khởi nghiệp và ban giám hiệu cũng cần có những bộ phận chuyên trách.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS. Trần Lê Hoa Tranh - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Hỗ trợ việc làm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM - cho rằng một lãnh đạo có sự thúc đẩy về hoạt động khởi nghiệp trong trường đại học thì sẽ có định hướng tổng thể, cơ chế thông thoáng, thang đo về chỉ tiêu khởi nghiệp. Từ đó, các hoạt động khởi nghiệp sẽ được thúc đẩy.

Còn theo ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP.HCM, UEH hiện nay có ban giám đốc về hoạt động đổi mới sáng tạo. Thông qua đó, các hoạt động về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ nằm trong tầm nhìn, sứ mệnh của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có nhiều chương trình để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp.

"Đại học khởi nghiệp" là mô hình tập trung vào việc kết hợp giữa giáo dục đại học với khởi nghiệp và kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, phát triển công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra một môi trường học tập có định hướng, đổi mới sáng tạo và ứng dụng thực tiễn cho sinh viên.

Đây là một mô hình mà thành phố muốn hướng đến áp dụng cho các trường đại học để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, văn hóa đổi mới sáng tạo cho nguồn lực trẻ, qua đó thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thành phố, kết nối giữa trường viện và các doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề xã hội thông qua nghiên cứu phát triển, tài sản trí tuệ.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo

https://sohuutritue.net.vn/tphcm-co-nhieu-chinh-sach-uu-dai-thuc-day-mo-hinh-dai-hoc-khoi-nghiep-d220500.html