TP.HCM: Dự thảo đề án chuyển đổi 400 ngàn xe công nghệ sang xe điện sẽ trình trong tháng 6
Dự thảo đề án chuyển đổi xe công nghệ, giao hàng 2 bánh sang xe máy điện ở TP.HCM sẽ hoàn thiện trong tháng 6/2025 với nhiều lợi ích về môi trường và kinh tế.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra vào chiều 22/5, ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết, sau những hoạt động khảo sát, tổ chức hội thảo, thí điểm cho vay chuyển đổi xe máy điện cho riêng tài xế công nghệ và giao hàng thì trong tháng 6/2025, Viện Nghiên cứu phát triển sẽ có dự thảo Đề án để tổ chức hội thảo tham vấn lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng. Sau đó một tháng (7/2025), đơn vị sẽ trình Đề án kèm Tờ trình đề xuất chính sách kèm theo.
“Nếu tất cả các đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ được chấp nhận, nhóm nghiên cứu dự kiến trong 2 năm có thể cơ bản chuyển đổi được trên 80% tài xế CN và giao hàng 2 bánh sang xe điện. Sau đó, Thành phố và Trung ương sẽ tiếp tục có những biện pháp hạn quyết liệt để chế xe xăng nói chung và có thể có lộ trình cấm hẳn xe xăng tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách và giao hàng”, ông Hải chia sẻ.
Việc chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo sẽ mang lại lợi ích lớn cả về kinh tế và môi trường.
Theo Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM, phương tiện xe công nghệ, giao hàng hai bánh chạy bằng xăng là đối tượng xả thải cao. Nếu thực hiện chuyển đổi các phương tiện này sang xe điện thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Cụ thể, qua nghiên cứu cho thấy, một tài xế công nghệ tốn kém chi phí nhiên liệu (xăng) ước tính khoảng từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng mỗi ngày cho quãng đường di chuyển 80-120km mỗi ngày. Trong khi hiện tại, tài xế xe 2 điện của XanhSm chỉ tốn chưa đến 20.000 đồng chi phí sạc điện mỗi ngày. Nếu tính thêm chi phí phát sinh (thay nhớt, thuê pin, khấu hao pin,…) thì mỗi tài xế công nghệ và giao hàng dùng xe máy điện có thể tiết kiệm từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/ngày với giả định chi phí bảo trì, bảo dưỡng xe điện và xe xăng là như nhau.
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, việc chuyển đổi sang xe điện còn giúp giảm phát thải, từ đó sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe của mỗi người dân trong cộng đồng, cho chính sức khỏe của các tài xế thường xuyên có mặt trên đường phố.
Ngoài những lợi ích về kinh tế, môi trường, sức khỏe thì hiện nay cơ quan quản lý nhà nước đang có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài xế công nghệ và giao hàng mua xe máy điện để chuyển đổi phương tiện.
Để Đề án mang lại hiệu quả cao nhất, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM dự kiến đề xuất những chính sách hỗ trợ từ Thành phố cho tài xế công nghệ, giao hàng và cả người dân mua mới xe máy điện trong quá trình chuyển đổi.
Cụ thể, hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các tài xế công nghệ, giao hàng và thực hiện các hỗ trợ pháp lý cho ngân hàng nhanh chóng thu hồi nợ xấu; Kết nối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe máy điện phối hợp cùng ngân hàng thiết kế sản phẩm tín dụng cho vay chuyển đổi xe máy điện; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua, thu đổi, xử lý tái chế, loại bỏ xe hai bánh chạy xăng cũ ra khỏi lưu thông; Tạo điều kiện phát triển các địa điểm đổi pin, cung cấp pin sạc dự phòng cho tài xế.
Hỗ trợ tạo điều kiện phát triển các trạm sạc sử dụng năng lượng tái tạo cho pin điện tại các địa điểm đổi pin, cung cấp pin sạc dự phòng; Kiến nghị miễn thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy đăng ký và cấp mới biển số lần đầu cho xe máy điện trong vòng 2 năm; Kiến nghị hoàn thuế giá trị gia tăng trên mỗi chuyến xe, hỗ trợ cho tài xế công nghệ và giao hàng sử dụng cung cấp dịch vụ bằng xe máy điện,…