TP.HCM lần đầu tiên đối thoại chính sách tăng trưởng bền vững, công nghệ và năng lượng
Sáng 18/9, UBND TP.HCM phối hợp Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”…
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều đến các quốc gia. Đây cũng là cơ hội cho TP.HCM và các tỉnh thành nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong giải quyết vấn đề việc làm, bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo.
“Đây là lần đầu tiên UBND TPHCM phối hợp với VBF tổ chức Chương trình Đối thoại chính sách. TP.HCM với truyền thống năng động, sáng tạo, tư duy đột phá, luôn nỗ lực không ngừng để xứng đáng là đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính của cả nước, là cầu nổi kinh tế với các vùng phụ cận, đặc biệt các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan chia sẻ.
Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”, sáng 18/9.
Thời gian qua, TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2030.
Ngoài ra, TP.HCM đã và đang xây dựng các định hướng và chính sách nhằm tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng. Trong đó, thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng công nghệ cao; dịch vụ tài chính xanh và công nghiệp xanh; khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang các mô hình sản xuất tiên tiến, sạch, bền vững và về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
TP.HCM cùng các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long có các thỏa thuận hợp tác liên quan cơ chế, chính sách phát triển vùng, việc đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, quy hoạch phát triển vùng, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút nhân tài cho vùng.
Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 gồm 2 phiên. Phiên 1, tập trung chủ đề tối ưu hóa hệ sinh thái kinh tế: chiến lược logistics, nhân lực, thuế và đầu tư. Các đại biểu tập trung thảo luận về phát triển Logistics và chuỗi cung ứng; thị thực; giấy phép lao động và Thẻ tạm trú; nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam để đáp ứng nhu cầu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, hàng không vũ trụ, thiết kế và sản xuất công nghệ cao; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và thuế
Phiên 2, với chủ đề thúc đẩy tương lai bền vững: năng lượng thay thế và công nghệ thông minh; phát triển năng lượng tái tạo; thúc đẩy giảm phát thải carbon trong ngành hàng không: Con đường bền vững trong tương lai và tiềm năng nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam; làm mát bền vững nhằm thúc đẩy thực hiện đóng góp do Quốc gia tự quyết (NDC); chuyển đổi số trong nông nghiệp.